Doanh nghiệp lo gặp khó vì cơ chế một cửa nhưng… nhiều chìa

08:48 | 22/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Vướng mắc trong khâu thông quan đại diện doanh nghiệp có khi xuất phát từ chính các công ty do không hiểu thủ tục. Ngược lại, có trường hợp, doanh nghiệp gặp khó vì cơ chế một cửa nhưng… nhiều chìa.
Doanh nghiệp lo gặp khó vì cơ chế một cửa nhưng… nhiều chìa - ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) 
Nội dung này được đại diện giới doanh nghiệp nói lên tại tọa đàm “Hải quan – Doanh nghiệp: Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành” sáng 21/6 tại Hà Nội.
Mở đầu tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã nêu lên một vài con số đáng chú ý. Theo ông, 65% tờ khai hải quan được phân luồng xanh, tức là thông quan không tới 3 giây.

Một vấn đề khác theo ông là những phản ánh, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp được kiểm soát và lưu trữ online. Việc trả lời của các cấp ra sao cũng được công khai để người dân, doanh nghiệp cùng nắm.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) Đào Huy Giám bày tỏ vui mừng vì nhận thức của ngành hải quan đã có nhiều chuyển đổi, từ cơ quan quản lý sang phục vụ, đồng hành. Một trong những tiến bộ vượt bậc theo vị này là 65% hàng hóa thuộc luồng xanh. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn, tỷ lệ 65% này chưa thể bằng lòng.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, tỷ lệ hàng hóa thuộc luồng xanh cần phải tăng cường. 
Vị đại diện này tiết lộ, ở Nhật Bản, tỷ lệ hàng hóa thuộc luồng xanh có thể lên tới 90%. “Chúng tôi mong quý vị nâng cao hơn tỷ trọng hàng hóa thuộc luồng xanh,” phía Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.
Nói cụ thể hơn về một số khó khăn của doanh nghiệp, ông Đào Huy Giám cho rằng, một số vướng mắc do chính doanh nghiệp tạo ra. Một số doanh nghiệp theo ông là không hiểu về thủ tục, ít làm thủ tục thông quan thường xuyên nên không quen công việc.
Thế nhưng, ông cũng thẳng thắn, nhiều doanh nghiệp thạo thủ tục nhưng vẫn gặp khó. 
“Cơ chế một cửa 3 năm rồi nhưng vẫn có trường hợp một cửa nhưng nhiều chìa,” ông Giám lên tiếng.
Ông lấy ví dụ về trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ có liên quan tới Bộ Y tế hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các doanh nghiệp phải “chạy” về các bộ trên trình bày “hồ sơ tôi nộp rồi, trong đó có vấn đề này, vấn đề kia.” Cơ quan chức năng sau khi xem xét sẽ gửi kết quả lên mạng qua cơ chế một cửa.
Cách làm trên theo ông là chưa thông thoáng. Ông thừa nhận, ta đã giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng bộ máy vẫn quản quá nhiều. 
Ông kiến nghị, cần giao thêm cho tư nhân kiểm tra chất lượng hàng hóa để giảm tải cho cơ quan Nhà nước. Ông Giám khẳng định, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ hàng triệu USD để cung cấp dịch vụ kiểm tra chuyên ngành, một phần phí sau đó sẽ được nộp lại ngân sách để cơ quan Nhà nước trang trải.
Riêng về quản lý rủi ro, ông Giám cho rằng, công tác này hiện có lúc gặp trường hợp là “anh làm lấp liếm, cung cấp chất lượng ẩu, rủi ro cao vẫn được hưởng quản lý na ná như anh làm tốt.” 
“Ở các nước phát triển, doanh nghiệp nào làm tốt không chịu giám sát quá chặt, thời gian lưu thông nhanh, tuy tín trước cộng đồng cao. Ta nếu làm không tốt thì làm xấu như tốt, không rủi ro hay rủi ro tới mức báo động ta không điều chỉnh được,” đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân nêu lên cảnh báo./.
Theo TTXVN