Doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ và phân phối có nhiều thuận lợi phục hồi

10:19 | 03/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các công ty lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán ngành bán lẻ và phân phối tồn tại được qua đại dịch COVID-19 được cho là có tốc độ phục hồi mạnh mẽ, trở lại giai đoạn tăng trưởng vào năm 2022.

*Chiếm thêm thị phần

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, trạng thái “bình thường mới” sẽ ngăn chặn các đợt giãn cách xã hội trong phạm vi rộng, vốn gây tổn hại các công ty bán lẻ và nhà phân phối trong quý III/2021.

Sau khi từng bước mở cửa kinh tế ở các tỉnh phía Nam vào đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; trong đó, có 4 cấp độ đại dịch để áp dụng trên từng địa bàn với đơn vị nhỏ nhất là cấp xã.

Với việc áp dụng nghị quyết số 128/NQ-CP và tỷ lệ tiêm chủng cao, cùng bài học kinh nghiệm lớn từ chống dịch trong quý III/2021, các chuyên gia tin rằng công ty bán lẻ và phân phối sẽ không còn chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội diện rộng trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, nếu các chủng virus đột biến mới tạo thành một đợt đại dịch khác dẫn đến nhiều khu vực đạt mức độ 3-4 của đại dịch thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ ở các mức độ khác nhau. Các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn từ các công ty bán lẻ và phân phối khác đã rời khỏi thị trường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2021 là 105.618 doanh nghiệp, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020. 
Điều này cho thấy rủi ro cạnh tranh từ các doanh nghiệp mới là thấp trong quý IV/2022. Điều này giúp các công ty đang hoạt động tận dụng lợi thế để giành thêm thị phần trong các mảng kinh doanh của mình.

Mặt khác trong 11 tháng năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 39.469 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, có 97.089 công ty rời khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2021, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, hơn 31% công ty thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, phần lớn các công ty này  quy mô nhỏ, bị ảnh hưởng bởi giai đoạn giãn cách xã hội nhiều hơn so với các công ty quy mô lớn có thương hiệu, hệ thống quản lý mạnh.

'Do đó, các chuyên gia phân tích kỳ vọng những công ty bán lẻ và phân phối quy mô lớn sẽ phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022.

Ba xu hướng thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ

Đa kênh và trực tuyến được nhận định sẽ trở thành động lực chính cho công ty bán lẻ trong trạng thái “bình thường mới”. Việc lướt và nghiên cứu về sản phẩm hiện nay chủ yếu được thực hiện trực tuyến thay vì ngoại tuyến. Đồng thời, theo nghiên cứu của Facebook và Bain & Company, tỷ lệ chi tiêu dành cho các kênh ngoại tuyến đang thu hẹp lại.

Trong hai giai đoạn đầu tiên của hành trình tiêu dùng - giai đoạn khám phá và giai đoạn đánh giá, ít nhất 80% kênh được người tiêu dùng sử dụng là trực tuyến.

'Việc lướt qua các sản phẩm, so sánh các mặt hàng, kiểm tra đánh giá và thực hiện nghiên cứu hiện chủ yếu được thực hiện trên các kênh như truyền thông xã hội, trang web thương mại điện tử, trang web và video thuộc sở hữu của thương hiệu.

Nhưng trong giai đoạn cuối cùng của hành trình tiêu dùng, giai đoạn quyết định mua, trực tuyến mới chỉ bắt đầu chiếm được thị phần ngày càng tăng trong doanh số bán hàng.

Đối với các công ty bán lẻ niêm yết, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tin rằng, việc giới thiệu chiến lược đa kênh để hoàn thành hành trình tiêu dùng là đúng đắn để tăng doanh thu.

Theo dữ liệu từ iPrice, Shopee và Lazada là những trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam với lượt truy cập hàng tháng trong quý III/2021 lên đến 77,8 triệu và 21,4 triệu.

Do đó, việc đưa các gian hàng lên các trang thương mại điện tử sẽ giúp các công ty bán lẻ và nhà phân phối mở rộng tệp khách hàng và tăng doanh thu bán hàng từ các tệp khách hàng mới này.

Với xu hướng này, những công ty đã đầu tư và xây dựng nền tảng trực tuyến hiệu quả, xây dựng trang cộng đồng và kênh bán hàng đa dạng trên các trang thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa kênh; trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) và Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) là những công ty bán lẻ nổi bật.

Xu hướng thứ 2 là nhu cầu ngày càng tăng đối với điện thoại thông minh chính hãng cao cấp và các sản phẩm làm việc tại nhà sẽ tiếp tục sau đại dịch.

Đối với điện thoại thông minh cao cấp, dù thị trường điện thoại di động đã dần bão hòa với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2019-2021 chỉ khoảng 5- 7%/năm, nhưng từ năm 2022, các nhà phân phối điện thoại di động được ủy quyền sẽ duy trì mức tăng trưởng cao hơn nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch; việc thắt chặt các quy định về hàng xách tay giúp các nhà bán lẻ được ủy quyền có thể đạt được nhiều thị phần hơn.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt bảo hành với yêu cầu biên lai các sản phẩm chính hãng từ các nhà phân phối ủy quyền cho các sản phẩm Apple sẽ tập trung nhu cầu các sản phẩm của Apple hướng vào các đại lý được ủy quyền.
Đối với sản phẩm làm việc tại nhà, theo điều tra dân số Việt Nam, chỉ có 30,7% hộ gia đình có máy tính, bao gồm cả máy tính để bàn và máy tính xách tay, cho thấy thị trường máy tính vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn trong và sau đại dịch khi nhu cầu về các sản phẩm máy tính sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu làm việc tại nhà và giải trí.

Với xu hướng này, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) và  Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với các sản phẩm và máy tính xách tay chính hãng của Apple, trong khi Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) và Công ty cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (mã chứng khoán: PSD) sẽ được hưởng lợi từ giai đoạn phân phối tới các nhà bán lẻ.

Xu hướng thứ 3 là chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch sang thương mại hiện đại. Theo Kantar Worldpanel, vào giữa tháng 10 năm 2021, thị phần của các kênh trực tuyến và siêu thị nhỏ đã giảm trở lại khoảng 10% và 6% sau khi đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2021.

Tuy nhiên, thị phần này vẫn ở mức cao so với trước dịch, khoảng 3% đối với kênh trực tuyến và 5% đối với kênh siêu thị nhỏ cho thấy khả năng duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội của các kênh này và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng sau đại dịch.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2025, giá trị gia tăng của khu vực thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 9-9,5%/năm trong giai đoạn từ năm 2021- 2025.

Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của kênh thương mại hiện đại đạt khoảng 35-40% vào năm 2025.  Với dự báo này, ngành thương mại hiện đại có thể duy trì đà tăng trưởng trên hai con số trong suốt giai đoạn 2021-2025. Do đó, doanh nghiệp có chuỗi bán hàng hiện đại sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt hơn thị trường chung.

Thực tế, dịch COVID-19 có những tác động ngược chiều đến các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Trong khi các công ty bán lẻ các sản phẩm không thiết yếu và công ty kinh doanh bất động sản thương mại bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời giãn cách xã hội trong quý III/2021, đại diện là Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) và Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) khi doanh thu giảm lần lượt 77,6% và 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng của Vincom Retail giảm 95,6% so với cùng kỳ năm 2020 và Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận lỗ ròng 160 tỷ đồng.

Ngược lại, các công ty phân phối và bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng và hàng thiết yếu ít bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội trong quý III/2021 và tiếp tục hoạt động hiệu quả  trong 9 tháng năm 2021 do nhu cầu của các sản phẩm này vẫn duy trì. 

Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) có doanh thu và lợi nhuận ròng trong 9 tháng năm 2021 tăng 53,2% và 96,4% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu máy tính xách tay và điện thoại chính hãng cao cấp tăng mạnh trong thời gian gần đây. Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) ghi nhận lãi ròng 108 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, trong khi đó, cùng kỳ năm 2020 công ty lỗ ròng 10 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng diễn biến khá tương đồng với kết quả kinh doanh và những kỳ vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Theo đó, năm 2021, MWG tăng 14,4%, PNJ tăng 18,7%, DGW tăng 44,5%, FRT tăng 213,1%./.