Doanh nghiệp may mặc tìm kiếm đơn hàng cuối năm

Nguyễn Nam/TTXVN 07:40 | 12/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính từ đầu năm 2023 tới nay, do thiếu hụt đơn hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá bắt buộc phải cắt giảm hàng nghìn lao động nên ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Để khắc phục tình trạng này, dịp cuối năm các doanh nghiệp sản xuất may mặc tại tỉnh đã có những giải pháp linh hoạt, tìm kiếm thị trường và đơn hàng mới nhằm thích ứng với điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn, thị xã Bỉm Sơn, đơn vị này đang tạo công ăn, việc làm cho khoảng hơn 1.000 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng. Từ cuối năm 2022 đến nay, tìm kiếm đơn hàng gặp nhiều khó khăn, nên việc sản xuất chỉ tiến hành cầm chừng để níu chân người lao động.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà, Tập đoàn Tiên Sơn, do kinh tế khó khăn nên thị trường các nước buộc phải ngưng đặt hàng. Thời gian qua, đơn vị đã linh hoạt, tìm kiếm các thị trường mới như tại châu Mỹ, đặc biệt tại thị trường Mỹ đã có nhiều đơn đặt hàng và tiến triển tốt lên. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi phải cạnh tranh mặt hàng, đơn giá sản phẩm, chất lượng hàng hóa. Đơn vị đang tập trung đầu tư, sản xuất chất lượng tốt, để giành được lấy đơn từ đối tác.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may tại tỉnh Thanh Hoá cũng đã bắt đầu tăng ca sản xuất để đáp ứng tiến độ giao hàng cho các đối tác. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sản lượng đơn hàng thời điểm này vẫn còn thấp so với cùng kỳ, do đó các doanh nghiệp tập trung tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm về mức tốt nhất, cũng như tích cực tìm kiếm thêm đơn hàng tại thị trường các nước khác.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân tổ 14, Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà, Công ty cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn cho hay: “Năm ngoái công ty tăng ca 8 - 9 giờ, nhưng năm nay do kinh tế khiến ngành may khó khăn nên lương không đảm bảo như mọi năm. Hiện Tết Nguyên đán 2024 đã cận kề, chúng tôi mong ngành dệt may, công ty tạo điều kiện có nhiều việc để công nhân tập trung sản xuất, có lương thưởng cuối năm để đón Tết".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đa dạng hóa các sản phẩm, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn và chấp nhận đơn hàng giảm từ 30 - 40% để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá khẳng định, sau thời gian dài các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn, số lượng đơn hàng từ đối tác các nước trên thế giới đang bắt đầu quay lại. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ tìm các giải pháp để kiếm thêm đơn hàng; đồng thời duy trì số lao động hiện tại. Khi nào kinh tế phục hồi và có nhiều đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp sẽ tuyển bổ sung các lao động đã giảm trong năm nay và tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động địa phương.

Tỉnh Thanh Hóa có gần 300 doanh nghiệp may mặc. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, các công ty may mặc đã có nhiều giải pháp để thích ứng trước những thách thức từ thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp cũng bắt đầu chuyển dịch sang Nga và các nước Trung Đông để tìm kiếm đơn hàng.

Trước đó, tình trạng thiếu đơn hàng đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng đầu tháng 7/2022, có khoảng 2/3 các doanh nghiệp hội viên thuộc Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa bị thiếu đơn hàng và phải tìm các biện pháp để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và giữ chân người lao động. Theo các doanh nghiệp dệt may, kế hoạch sản xuất năm 2023 chỉ đạt khoảng 90%.