Xuất khẩu 4 tháng giảm tốc ở nhiều thị trường chính, triển vọng nào cho ngành dệt may 2023?
Xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính đều đi xuống
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) dẫn nguồn từ báo cáo của Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, tháng 4/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,06 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 3,86 tỷ USD).
Lũy kế 4 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (trị giá tuyệt đối giảm gần 3 tỷ USD).
Về thị trường xuất khẩu dệt may tháng 4/2023, thống kê cho thấy tất cả các thị trường xuất khẩu chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường Mỹ giảm 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD; thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 9,7% đạt 349 triệu USD; thị trường Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu USD và Nhật Bản giảm 3%.
Tính chung 4 tháng năm 2023, chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản tăng 6,6%, còn lại thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, báo cáo phân tích ngày 15/5 từ CTCP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) chỉ ra rằng, bên cạnh sự suy yếu dần của xuất khẩu, hoạt động sản xuất cũng gặp khó khăn khi chỉ số sản xuất (IIP) trong 4 tháng qua nhìn chung không ghi nhận tăng trưởng. Chỉ số sử dụng lao động cả hai mảng Dệt và May mặc đều đi xuống với tốc độ khá tương đồng với quý III/2021.
Thực tế, theo báo cáo tài chính quý I đã công bố, hầu hết các doanh nghiệp may mặc ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan trong quý. Cụ thể, doanh thu của CTCP May Sông Hồng (MSH), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (HTG), CTCP Everpia (EVE), và CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) đều ghi nhận mức sụt giảm, lợi nhuận theo đó cũng đi lùi. Điểm sáng trong ngành là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG khi vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu.
Về triển vọng 2023 cho toàn ngành, MAS cho rằng với tình hình hiện tại, tiêu thụ sản phẩm ngành dệt may từ các thị trường chủ chốt của Việt Nam sẽ chỉ đi lên khi các dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế xuất hiện và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Do đó, trong năm 2023, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc nước ta nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Còn theo CTCP chứng khoán VNDIRECT, trong báo cáo triển vọng ngành hôm 15/5, nhóm phân tích kỳ vọng về việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Nhóm phân tích cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất sợi có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao sẽ tận dụng được lợi thế. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc được lưu thông trở lại có thể giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp may mặc.
Tuy nhiên, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp may mặc trong năm 2023. Hiện Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội Dệt May Mỹ (OTEXA), giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ năm 2022 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Với 25,65% thị phần, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ, theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.
Về 2 kịch bản Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đặt ra hồi cuối năm ngoái về triển vọng 2023, hết 4 tháng đầu năm, một số chuyên gia đến nay vẫn nghiêng về kịch bản tích cực và cho rằng nước ta có cơ sở để đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2023 cao hơn năm 2022. Đó là thông tin về các hiệp định thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng.
Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang.
Ngoài ra, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Điều đó được xem là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất. Theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51 - 55%.