Doanh nghiệp Mỹ bất mãn với chính quyền Trump vì dừng chương trình cho vay khẩn cấp của Fed

15:36 | 21/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc chính quyền của ông Trump tạm dừng chương trình vay khẩn cấp của Fed dẫn đến sự bất mãn của các doanh nghiệp Mỹ khi dịch COVID-19 đang trở nên ngày càng trầm trọng, nền kinh tế Mỹ trở nên nhạy cảm hơn.
Hôm 19/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ông sẽ không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau ngày 31/12. Hiện tại, chương trình này đang sử dụng ngân sách từ đạo luật cứu trợ CARES của Quốc hội Mỹ.
 
Động thái của ông Mnuchin được dự đoán là sẽ làm giảm đáng kể khả năng củng cố hệ thống tài chính của Fed. Thông báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương tại Mỹ đã phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang trên đà bùng phát mạnh.
 
Bộ trưởng Mnuchin yêu cầu FED chấm dứt 5 chương trình cho vay khẩn cấp và hoàn lại 455 tỷ USD chưa sử dụng đã được phân bổ cho những chương trình này. Trong thư gửi Chủ tịch FED Powell, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định các chương trình trên, vốn hết hạn vào ngày 31/12 tới, "rõ ràng đã đạt được các mục tiêu đề ra".

FED sau đó đã ra tuyên bố bày tỏ thất vọng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tất cả các chương trình khẩn cấp được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương.
 
Động thái này cũng khiến doanh nghiệp Mỹ bất mãn với chính quyền Trump. Phòng thương mại Mỹ chỉ trích quyết định trên là "chấm dứt các lựa chọn thanh khoản quan trọng cho doanh nghiệp vào thời điểm họ cần nhất" và việc này "sẽ trói tay chính quyền kế tiếp một cách không cần thiết".
 
Doanh nghiệp Mỹ bất mãn với chính quyền Trump vì dừng chương trình cho vay khẩn cấp của Fed - ảnh 1
Chủ tịch FED Jerome Powell
 
Khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đầu tàu thế giới, FED đã công bố một loạt chương trình cho vay mới nhằm ngăn thị trường tài chính đóng băng do các doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan.
 
Chia sẻ với CNBC, ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn High Frequency Economics, nói rất khó để thấy quyết định của ông Mnuchin là "hợp lí về mặt kinh tế" khi mà hàng triệu người Mỹ vẫn đang nhận trợ cấp thất nghiệp, các chỉ số khu vực của Fed giảm dần và khả năng phong tỏa toàn quốc không còn xa. Bất luận nhìn từ góc độ kinh tế, y tế hay xã hội, tôi đều không nghĩ ông Mnuchin có lí do chính đáng để giải thích tại sao họ muốn dừng các chương trình cho vay tại thời điểm này. Cho nên, động thái của ông ta ắt hẳn phải liên quan đến chính trị
Fed và Phòng Thương mại Mỹ đã công khai phản đối quyết định của ông Mnuchin. Phòng Thương mại Mỹ cho rằng việc cô lập chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden là "quá sớm và không cần thiết".
 
Khi được hỏi liệu không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của Fed có hợp lí không khi chỉ 3% ngân sách có sẵn của Đạo luật CARES (trị giá 2.600 tỉ USD) đang được sử dụng, ông Weinber đã ví tình huống hiện tại như con tàu Titanic.
 
"Một trong các vấn đề của chúng ta là không có đủ phao cứu sinh trên tàu và khi tàu rời bến thì chúng ta không dùng chiếc nào, nhưng khi cần thì lại không có để dùng, Chương trình cho vay khẩn cấp là phao cứu sinh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ không còn sức để trụ vững chứ không phải các ông lớn có thể ra thị trường vốn để tự xoay xở.
 
Ông Mnuchin đã gia hạn ba chương trình không sử dụng ngân sách của Đạo luật CARES trong 90 ngày, đây là các công cụ hỗ trợ cho thị trường thương phiếu và tiền tệ.
 
Một số nguồn tin thân cận của CNBC cho biết ông Mnuchin hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính mới dưới thời chính quyền ông Biden có thể khôi phục lại các chương trình cho vay khẩn cấp bằng cách thiết lập một thỏa thuận mới với Fed.
 
Ông Weinberg cũng cảnh báo rằng dù thị trường đang lạc quan vì hi vọng có vắc xin và sự phục hồi của nền kinh tế về sau, "rủi ro khủng hoảng tài chính đang rình rập" nền kinh tế Mỹ. "Cuối tháng 12, người dân Mỹ sẽ phải rời khỏi nơi ở khi không còn được bảo vệ, mất trợ cấp thu nhập, không còn được hoãn thanh toán nợ sinh viên. Khi chìm trong các hỗ trợ tài chính như thế này, chúng ta sớm muộn cũng sẽ gặp thất bại. Tương tự năm 2008, thất bại đó có thể gây rắc rối cho lĩnh vực tài chính", ông Weinberg nhấn mạnh. Cũng theo nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn còn trong "những ngày đầu".
 
Ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ vẫn chưa chính thức có người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Truyền thông nói rằng ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã đắc cử nhưng đương kim Tổng thống Donald Trump chưa nhận thua. Ông Trump liên tiếp cáo buộc gian lận trong bầu cử và tiến hành các động thái pháp lý.
 
Chính vì những lý do đó, chưa có bất cứ sự chuyển giao quyền lực nào ở Mỹ, điều hoàn toàn khác biệt so với các cuộc bầu cử trước đó. Những vấn đề trong quá trình chuyển giao quyền lực có thể tác động tới nền kinh tế Mỹ bởi sự không nhất quán trong các chính sách.

Các nghị sĩ Mỹ vẫn chưa thể thống nhất về gói kích thích thứ hai sau nhiều tháng đàm phán. Các cuộc nói chuyện giữa Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gặp khó từ trước bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đảng Dân chủ đang giục Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế thông qua gói kích thích trị giá hơn 2.000 tỷ USD mà họ đã phê duyệt. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đã tuyên bố không sẵn sàng chi quá 1.000 tỷ USD.

Xem Thêm: Cựu quan chức Fed: Kinh tế Mỹ vẫn có nguy cơ rơi vào 'suy thoái kép'

Nguyễn Dung(t/h)