Doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng có nhiều cơ hội phát triển
Cơ hội xuất khẩu rộng mở
Theo thông tin trên báo Tin nhanh chứng khoán, năm 2017, Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp chế biến gỗ trực tiếp xuất khẩu, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ vượt con số 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016 và về đích sớm 3 năm so với mục tiêu đạt khoảng 8 - 8,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào năm 2020.
Riêng quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 1,94 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp trong nước vượt qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) nhấn mạnh, Việt Nam đã có vị trí tốt trên bản đồ sản xuất đồ gỗ của thế giới, đứng thứ nhất Đông Nam Á, thứ hai châu Á và thứ 5 toàn cầu về xuất khẩu.
Tuy nhiên, so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06% và so sánh với tổng thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Dư địa tăng trưởng và khả năng tăng thị phần của doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn rất cao khi thị trường rộng mở.
Nhìn thẳng vào thực tại, ông Hạnh cho biết, doanh nghiệp gỗ Việt Nam có xuất phát điểm thấp trong khi cơ hội thị trường còn nhiều nên việc chủ động tiếp cận thị trường, gia tăng độ phủ và nâng cấp chất lượng sản phẩm với giá cả cạnh tranh là điều rất cần thiết để giải bài toán tăng thị phần.
Trao đổi với thời báo Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, việc tham gia CPTPP cũng mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam hơn là thách thức. Một số thành viên của CPTPP như Nhật Bản - một trong những nhà nhập khẩu lớn của gỗ Việt Nam, hay Canada - quốc gia có ngành công nghiệp gỗ mạnh với sản lượng một năm lên tới 600 triệu m3 gỗ. Vì vậy, cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam rất lớn.
Cùng với đó, ngay khi CPTPP có hiệu lực, thuế quan sẽ lập tức xuống bằng 0, điều này mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, CPTPP sẽ giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản ... được thuận lợi hơn, khi thuế hạ xuống.
Bên cạnh đó, CPTPP còn có các quốc gia lâm nghiệp hùng mạnh, có rừng tốt, quản lý rất bài bản cho nên chúng ta sẽ học tập được công tác quản trị doanh nghiệp gỗ thế nào cho hiệu quả nhất, đặc biệt là gỗ hợp pháp và bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp gỗ cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội
Theo thông tin từ TTXVN, dư địa và tiềm năng phát triển ngành gỗ thế giới là rất lớn, tuy nhiên để mở rộng thị phần và nâng cao giá trị xuất khẩu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cần kịp thời nắm bắt xu hướng và tận dụng tốt các cơ hội mà thị trường mang lại.
Ông Bjorn Henseler, chuyên gia của tập đoàn Schuler cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về chế biến gỗ nguyên khối, tuy nhiên hiện nay nhu cầu của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đang thiên về gỗ công nghiệp, gỗ kỹ thuật.
Ngay cả thị trường nội địa Việt Nam với sự phát triển của các tòa nhà cao tầng thì nhu cầu nội thất từ gỗ công nghiệp cũng chiếm ưu thế.
Theo ông Bjorn Henseler, bên cạnh việc phát huy thế mạnh về chế biến gỗ truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường để có chiến lược phát triển phù hợp.
Thêm vào đó, nền tảng để các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển lâu dài và bền vững là không ngừng sáng tạo, đưa ra các sản phẩm có thiết kế, tính năng mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm phổ thông với số lượng lớn sang sản xuất theo đơn đặt hàng và gặt hái được thành công về mặt doanh thu cũng như lợi nhuận.