Doanh nghiệp ngoại cân nhắc các lựa chọn dù ‘không ai có thể thay thế' thị trường Trung Quốc
Tâm lý dè dặt
“Không ai có thể thay thế” Trung Quốc trong tương lai gần là điều mà ông Michael Hart - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham), thừa nhận.
Song, bất ổn ngày càng gia tăng cùng sự cạnh tranh từ các nước láng giềng đang khiến doanh nghiệp nước ngoài phải đánh giá lại hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông Hart nhấn mạnh.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn cùng SCMP, Chủ tịch AmCham bày tỏ: “Về cơ bản, mọi người đều tin rằng Trung Quốc là một thị trường quan trọng, nhưng nhìn chung họ vẫn có sự dè dặt nhất định”.
“Rõ ràng, các thị trường như Việt Nam đã trở nên thú vị hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Mọi người đang cố gắng củng cố và điều chỉnh chuỗi cung ứng. Những động thái này không hẳn là chống đối Trung Quốc, mà là nhằm bảo vệ chính doanh nghiệp”, ông nói tiếp.
Theo lời ông Hart, các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đang bước vào “thời kỳ trầm lắng”. Họ phải chờ đợi xem khi nào đất nước tỷ dân sẽ mở cửa trở lại hoặc phân vân có nên mở rộng hay không vì công ty mẹ vẫn chần chừ.
Niềm tin của doanh nghiệp tại Trung Quốc hiện đang ở mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đe doạ các ngành công nghiệp chủ chốt và chính sách Zero COVID phá hoại nền kinh tế.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 8 của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, khoảng 96% người được hỏi cho biết họ thấy tác động tiêu cực từ các biện pháp kiểm soát COVID của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp mình, bao gồm việc tạm ngưng đầu tư, hao hụt lợi nhuận và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Xu hướng tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng làm phức tạp thêm tình hình, khi cả hai nước đều muốn thúc đẩy sản xuất trong các ngành nhạy cảm như chất bán dẫn và công nghệ sinh học.
Ông Hart cho biết: “Các mối lo về an ninh quốc gia từ cả hai bên khiến chính phủ mỗi nước phải tăng cường giám sát các công nghệ được dùng trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự của nước còn lại”.
“Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc. Họ đã thuê hàng nghìn nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc”, vị chủ tịch thông tin thêm với SCMP.
Đất nước tỷ dân đang trong giai đoạn sa sút kinh tế. Trong quý II năm nay, nền kinh tế chỉ mở rộng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, do thị trường bất động sản lao dốc và chính sách Zero COVID kìm hãm tiêu dùng.
Theo ông Hart, các công ty nước ngoài quy mô vừa và nhỏ (SME) đang chịu thiệt hại khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên nguội lạnh.
“Các SME đang chật vật. Số lượng thành viên SME của AmCham đang giảm dần. Các công ty lớn thì có thể trụ vững hơn. Trong khi đó, các SME thường khó sống sót hơn bởi nguồn vốn mỏng”, ông cho hay.
Ở cuộc trao đổi khác cùng SCMP, ông Ker Gibbs - quản lý tại Đại học San Francisco và là cựu Chủ tịch AmCham tại Thượng Hải, cho biết các SME đang tìm kiếm những thị trường khác.
“SME có thể vận hành linh hoạt hơn. Bạn chắc chắn đang thấy rất nhiều công ty nhỏ chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc và tìm đến các thị trường như Singapore và Việt Nam”, ông nói.
Tuy nhiên, bất kể quy mô công ty, ông Gibbs cho rằng “sự nhiệt tình của doanh nghiệp ngoại đối với thị trường Trung Quốc có lẽ đã không còn”. “Một lượng lớn công ty đa quốc gia đang cân nhắc các lựa chọn khác. Trung Quốc không còn là lựa chọn hàng đầu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hồi tháng 5, nền tảng cho thuê nhà Airbnb của Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Trung Quốc sau 8 năm hoạt động và đầu tư đáng kể. Nền tảng này không thể cạnh tranh lại các đối thủ địa phương, nhưng Airbnb đặc biệt đề cập đến các thách thức từ đại dịch COVID-19 - coi đây là lý do chủ chốt cho việc rút lui.
Thị trường "không ai có thể thay thế"
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp đều giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc. Tuần trước, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks thông báo đang mở cửa hàng thứ 6.000 tại đây và Thượng Hải sẽ trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đạt 1.000 cửa hàng.
Starbucks cho biết họ đang bước vào thời kỳ “tăng trưởng nhanh”, và hy vọng có thể nâng số cửa hàng lên 9.000 vào năm 2025.
Dù vậy, thông báo của Starbucks không hẳn là một dấu hiệu cho thấy niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài đang đột ngột phục hồi, các chuyên gia nhận định.
Ông Terence Chong Tai-leung, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Hong Kong Trung Quốc, nói: “Starbucks có một chút khác biệt so với các công ty nước ngoài khác. Họ không cần công nghệ cao để vận hành nên ít có nguy cơ bị trừng phạt. Miễn có người thì nhu cầu cà phê ở Trung Quốc vẫn vậy”.
Giáo sư luật Henry Gao của Đại học Quản lý Singapore thì cho rằng thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hút một số doanh nghiệp nhất định. Ông nói: “Quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc vẫn còn hấp dẫn, đặc biệt là đối với các công ty dịch vụ lớn như Starbucks”.
Trong vài tháng qua, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ rằng họ nhận ra những lo ngại của các công ty nước ngoài.
Khi trò chuyện cùng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tháng 9, Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải cách sâu rộng và mở cửa hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài.
Vào tháng 8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần ổn định hoạt động đầu tư nước ngoài, cải thiện chuỗi cung ứng và “củng cố niềm tin của doanh nghiệp có vốn nước ngoài bằng các hành động thiết thực”.
Chỉ còn vài tuần nữa là Bắc Kinh sẽ tổ chức đại hội đảng lần thứ 20. Giới doanh nghiệp ngoại sẽ theo dõi sát sự kiện này nhằm bắt tín hiệu cho thấy nền kinh tế tỷ dân sắp mở cửa trở lại.
“Đại hội đảng lần thứ 20 là một dịp trọng đại và mọi người sẽ dõi theo”, ông Gibbs nhận xét. “Doanh nghiệp sẽ đánh giá kết quả cuộc họp để tìm phương hướng cho tương lai”.
Suy cho cùng, Chủ tịch AmCham Michael Hart cho rằng tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các công nghệ mới nổi sẽ giữ chân doanh nghiệp nước ngoài ở lại trong tương lai gần.
“Trong 10 - 15 năm tới, không ai có thể thay thế Trung Quốc. Các công ty muốn hoạt động lâu dài ở đây, vì Trung Quốc là một thị trường tiềm năng”, ông kết luận.