Doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Hà Lan 07:00 | 28/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống

Trong năm 2020, để hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong khi diễn biến dịch Covid-19 còn hết sức phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu tiếp tục ban hành các giải pháp miễn, giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã thông qua chủ trương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 (Tờ trình số 289/TTr-CP ngày 13/8/2021); chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nội dung hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021. Nghị định nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế

Thứ nhất, giảm thuế TNDN, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.

Nghị định đã quy định rõ doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế. Theo đó, doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Thứ hai, miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Nghị định số 92 quy định rõ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021.

Các trường hợp đã nộp số thuế phát sinh phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 thì sẽ được cơ quan thuế xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế...

Thứ ba, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), đối với doanh nghiệp, tổ chức áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì việc xác định giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT được thực hiện trực tiếp trên hóa đơn GTGT khi doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ. Cụ thể, khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi "mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%"; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán.

Căn cứ hóa đơn GTGT, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức áp dụng phương pháp trực tiếp tỉ lệ % trên doanh thu sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn bán hàng không có tiêu thức thuế GTGT, Nghị định số 92 quy định doanh nghiệp, tổ chức thực hiện giảm 30% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT tại dòng "Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ" và ghi chú trên hóa đơn bán hàng.

Cụ thể, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột "Thành tiền" ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng "Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ" ghi theo số đã giảm 30% mức tỉ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: "đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỉ lệ để tính thuế GTGT theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.

Thứ tư, miễn tiền chậm nộp thuế, Nghị định 92 giao cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp. Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quyết định miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế...

Cùng ngày, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 92 quy định cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, vì vậy phạm vi tác động từ các giải pháp hỗ trợ quy định tại Nghị định dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của năm 2021 khoảng gần 20 ngàn tỷ đồng.

Số tiền thuế, tiền chậm nộp được hỗ trợ này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Nghị định số 92 có hiệu lực thi hành đồng thời với ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 (tức ngày ngày 19/10/2021).