Nghệ An: Cần đẩy nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19
Lên phương án “bám trụ” vượt qua đại dịch
Trong giai đoạn hiện tại nhiều doanh nghiệp phải gồng mình lên để bám trụ với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều khoản chi phí lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, gây áp lực rất lớn về nguồn tài chính. Nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình vì các khoản chi phí tăng, bởi ngoài việc phải bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 định kỳ, hỗ trợ người lao động trong thời gian nghỉ việc… các doanh nghiệp còn phải đảm bảo thực hiện tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 định kỳ, hỗ trợ người lao động trong giai đoạn nghỉ thời gian giãn cách xã hội.
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp trên địa bàn, ngày 21/8, Sở Y tế Nghệ An (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19) đã đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (CSSXKD, KCN) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế, của tỉnh đã ban hành.
Thời gian qua, do phải thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm lao động; bố trí lao động ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, làm việc trực tuyến tại nhà... để chống chọi với dịch dã đây là vấn đề hết sức cam go trong giai đoạn hiện nay đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Theo ông Lê Anh Đức, Giám đốc công ty Phúc Nguyên có ngành nghề kinh doanh trang trại chăn nuôi gia cầm và phát triển năng lượng tái tạo, khi có dịch xuất hiện tại địa phương và chính quyền thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã triển khai ngay phương án “3 tại chỗ” cho toàn bộ người lao động. “Chúng tôi khuyến cáo người lao động khi có tiếp xúc với F0, F1 thì chủ động khai báo y tế đầy đủ, công ty sẽ cho ở nhà và trả lương đầy đủ để người lao động yên tâm, không trốn tránh”, ông Đức nói.
Tại các khu công nghiệp, các xưởng may hay các nhà máy may trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo tìm hiểu của PV thì nhiều dây chuyền sản xuất không đạt do nhiều công nhân bị cách ly, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, phong toả, chống dịch hoặc kiểm soát chặt chẽ nên chi phí vận chuyển hàng đi hàng về cũng tăng, mất nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp.
Theo quản lý một công ty dệt may tại khu công nghiệp Bắc Vinh chia sẻ thêm: "Khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi là thiếu hụt lao động và chi phí sản xuất bị đội lên cao. Thời điểm thành phố Vinh thực hiện Chỉ thị 16, duy trì các chốt phòng, chống dịch nên nhiều công nhân ở các huyện không vào được KCN Bắc Vinh để làm việc. Nhiều công nhân ở các xã trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và tỉnh Hà Tĩnh phải cách ly tại nhà, khó khăn chồng chất khó khăn" .
Đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp trong mùa dịch
UBND tỉnh Nghệ An ngày 6/9/2021 đã có văn bản số 6501/UBND-KGBX về việc đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để kịp thời hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách, nhất là đối tượng lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác theo quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 của UBND tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và quyết định 23 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sau hơn một tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã có 10/12 chính sách được phê duyệt, hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai chưa nhanh, chưa chủ động bám sát nhiệm vụ được phân công, phân cấp theo Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh; việc triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Quyết định số 22/2001/QĐUBND của UBND tỉnh còn rất chậm; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo hàng ngày chưa kịp thời..