Doanh nghiệp Nhật đang `đổi gu` tuyển dụng, đề cao kỹ năng Anh ngữ hơn tiếng bản địa
Một trong những xu hướng khác mà các chuyên gia quan sát được trong giai đoạn này là các doanh nghiệp Nhật tăng cường tuyển dụng các ứng viên giỏi tiếng Anh.
Mới đây, các chuyên gia tới từ Navigos Search đã công bố xu hướng tuyển dụng nhân sự nổi bật từ 3-6 tháng tới tại Việt Nam. Một trong ba xu hướng đáng chú ý nhất đó là các công ty đến từ xứ sở hoa anh đào còn tăng cường tuyển dụng các ứng viên giỏi tiếng Anh và dần không tuyển nhiều vị trí hỗ trợ, yêu cầu tiếng Nhật như trước đây.
Đây là động thái "thay đổi khẩu vị" nhằm tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn thay vì chỉ tuyển các ứng viên giỏi tiếng Nhật trong vai trò phiên dịch hoặc trợ lý. Tín hiệu tích cực này đem đến cơ hội cho các ứng viên có chuyên môn, tiếng Anh, kỹ năng mềm tốt khi họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc.
Navigos Search công bố những nghiên cứu mới nhất về xu hướng tuyển dụng thời gian tới
Một điểm mới ghi nhận khác tại các doanh nghiệp Nhật là tăng nhu cầu tuyển dụng ứng viên người Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như các ứng viên chất lượng cao trong nước để tập trung vào khách hàng và các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc và các tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Thêm vào đó, làn sóng đầu tư vào các dự án ngành năng lượng cùng xu hướng dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may được dự đoán đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong 2 mảng này tăng mạnh trong 6 tháng tới.
Theo ghi nhận của Navigos Search, ngành năng lượng đang xuất hiện làn sóng đầu tư, hợp tác giữa các quốc gia châu Âu với các nhà phát triển năng lượng trong nước. Bên cạnh đó là sự tham gia của Mỹ trong việc xúc tiến và phát triển các dự án điện khí tại Việt Nam. Ngoài ra, đã có nhiều các dự án có quy mô lớn trên 2 tỷ USD phân bổ khắp ba miền nhưng chủ yếu tập trung tại miền Trung và miền Nam.
Doanh nghiệp Nhật cũng sẽ tăng cường tuyển dụng trong hai ngành: năng lượng và dệt may
Đây là tin vui với các ứng viên là người địa phương, nơi triển khai các dự án năng lượng lớn được kỳ vọng có nhiều cơ hội được tuyển dụng do các doanh nghiệp muốn tìm ứng viên gắn bó lâu dài.
Dịch chuyển dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam là lý do ngành Dệt May sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tới. Những chính sách mới về Hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển dây chuyền hoặc nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đã có những công ty, nhà máy dệt đã đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành này đã xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung, các doanh nghiệp sử dụng tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức.
Thanh Thùy (T/h)