Doanh nghiệp nhỏ, nỗ lực lớn vượt đại dịch Covid-19

17:18 | 27/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, bao doanh nghiệp lớn, nhỏ và cuộc sống của bao người dân bị ảnh hưởng nặng nề, những người thợ thủ công tại Hợp tác xã Vụn Art (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó.

Là hợp tác xã tập hợp toàn những người khuyết tật như người bị câm điếc bẩm sinh, người khuyết tật trí tuệ, người khuyết tật vận động, cuộc sống đời thường của họ vốn đã gặp muôn vàn khó khăn nay lại thêm đại dịch, khó khăn chồng thêm khó khăn.

Chúng tôi vô cùng lo lắng khi được biết nhiều công ty du lịch hủy tour trải nghiệm đã ký, các cơ quan, doanh nghiệp... không tổ chức các sự kiện marketing do giãn cách xã hội nên không có các đơn hàng” - anh Lê Việt Cường, Giám đốc của Vụn Art, đã bày tỏ.

Một người lao động trong hợp tác xã cho biết: Chúng tôi đều tâm niệm có thể do dịch mà tiền lương chúng tôi bị ít đi, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản và bỏ việc, chúng tôi sẽ cùng nhau đồng hành để tìm giải pháp. Giám đốc của chúng tôi coi chúng tôi như những người bạn, anh tâm sự với chúng tôi mọi khó khăn và phương hướng khắc phục.

Trong lúc khó khăn đó, chúng tôi sáng tạo thêm nhiều mẫu mã để làm trên túi, trên áo, thu hút được khách hàng, đồng thời như một khẩu hiệu nhắc nhở tất cả hãy thực hiện đúng yêu cầu để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, và mẫu áo “Keep calm and wash your hands” là một ví dụ.

Doanh nghiệp nhỏ, nỗ lực lớn vượt đại dịch Covid-19 - ảnh 1

 

Trong cái khó…

Những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ là không thể tránh khỏi trong đại dịch. Theo công bố Báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ năm 2021 của Facebook Việt Nam vào tháng 5/2021 cho biết đã thực hiện khảo sát về tác động liên tục của Covid-19 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động trên nền tảng này tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy một năm sau đại dịch, môi trường kinh doanh tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 40% SME đang hoạt động tại Việt Nam đã buộc phải cắt giảm nhân sự, trong số đó, có tới 27% phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc trước tác động của đại dịch.

Bên cạnh đó, 62% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook tại Việt Nam cho biết doanh số bán hàng của họ trong tháng qua thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch.

 

Ló cái khôn

Tuy nhiên, khảo sát của Facebook cũng cho thấy một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu phân bổ lại nhân sự. Có 18% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động cho biết trong ba tháng qua, họ đã tuyển dụng lại những công nhân đã bị buộc thôi việc hoặc sa thải trước khi đại dịch bắt đầu.

Khoảng 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia khảo sát tại Việt Nam báo cáo tăng doanh thu so với năm ngoái. 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook tại Việt Nam cho biết họ tự tin vào khả năng tiếp tục hoạt động trong ít nhất 6 tháng nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.

Do doanh số bán hàng tiếp tục thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng một trong những lo lắng chính của họ là nhu cầu khách hàng đang giảm dần. 19% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến dòng tiền, và 24% quan ngại về những thách thức liên quan đến nhu cầu khách hàng giảm hoặc thiếu hụt khách hàng trong vài tháng tới.

Trong số các nhóm doanh nghiệp thì đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp.

Chưa kể, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất, dẫn tới chậm trả hàng cho đối tác, giảm đơn hàng, sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện,…

Theo một khảo sát tính đến đầu tháng 10/2020 của VCCI, có khoảng 80% doanh nghiệp cho biết, không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, gặp phải những rào cản, thủ tục phức tạp, nên không “mặn mà”. Vì vậy, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận tốt với các gói hỗ trợ, cần rà soát, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong triển khai để có được những chính sách tốt.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, không chỉ đại dịch, ngay trong các giai đoạn bình thường cũng tiềm ẩn không ít những thách thức đối với người kinh doanh và chủ doanh nghiệp. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng không hẳn là rất đáng sợ mà có khi đó còn là cơ hội.

“Tôi xem những tổn thất này là bình thường dưới góc nhìn lạc quan nhất có thể. Vì thậm chí từ trước khi đại dịch xảy ra, tôi đã phải đối mặt với một vụ hỏa hoạn ngay tại doanh nghiệp của mình mà con số thiệt hại lên tới cả ngàn tỷ đồng” - bà Huệ cho biết.

Vị Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho rằng kinh doanh là một cuộc chơi đầy thử thách, trong cuộc chơi đó, người lãnh đạo phải luôn định vị và phát huy nội tại của bản thân để lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua.

Trở lại câu chuyện vượt đại dịch, cộng đồng biết tới Vụn Art - nơi những người yếu thế đang lao động sản xuất, đã có rất nhiều chia sẻ thiết thực. Những đơn hàng gửi tới Vụn Art, những món quà tuy như những thùng mì, hộp cháo, chai dầu ăn... được san sẻ cho Vụn Art chứa biết bao nghĩa tình. "Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự tài trợ của McKensey Việt Nam, chương trình Hồi sinh của Tập đoàn Le Bros, sự giúp đỡ, tài trợ của chính quyền địa phương và nhiều cơ quan, tập đoàn khác giúp chúng tôi “không bị bỏ lại phía sau” - anh Lê Việt Cường, Giám đốc của Vụn Art lạc quan nói.

Trọng Trí

Xem thêm 

Doanh nghiệp và doanh nhân không đơn độc trong “cuộc chiến” chống Covid