Doanh nghiệp phía Nam đề xuất “2 tại chỗ” để giảm chi phí

10:46 | 05/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp phía Nam phản ánh, việc đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" là rất khó khăn, bởi chi phí bỏ ra nhiều, trong khi rủi ro dịch bệnh thường trực. Do đó, họ đề xuất áp dụng '2 tại chỗ' để tiếp tục hoạt động.

Mối lo của công nhân và doanh nghiệp

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2021, do 4 Hiệp hội: Dệt may Việt Nam (VITAS), Da-Giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đồng ký tên cho biết, trong 3 tháng gần đây, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Bộ Y tế cùng chính quyền địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ.” Song, do các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động nên không đủ khả năng triển khai mô hình này.

Vì thế, trên 90% doanh nghiệp phải chấp nhận dừng sản xuất, làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Về dài hạn, việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của các nhãn hàng, các nhà nhập khẩu về thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp phía Nam đề xuất “2 tại chỗ” để giảm chi phí - ảnh 1

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký VITAS cho hay, đến nay đã có tới 95% doanh nghiệp sản xuất ngành may đã phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân là hầu hết các nhà máy may có lượng công nhân lên tới hàng nghìn, việc đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ", phải lo chỗ ăn nghỉ và sinh hoạt tại nhà máy chật hẹp, là rất khó khăn, rủi ro dịch bệnh thường trực.

Một số đối tác tính toán đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác để đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp ngành may "ngồi trên đống lửa".

Ngoài mối lo không trên, nhiều doanh cũng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan vì phải gồng gánh quá nhiều chi phí như xét nghiệm hàng tuần, trang bị cho công nhân ăn ngủ, trả thêm lương và nguyên vật liệu.

Theo ông Phạm Ngọc Phước, Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture cho biết trên TTXVN, thực hiện “3 tại chỗ” không phải vì lợi ích của doanh nghiệp, vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều, nhưng doanh nghiệp vẫn chọn vì có duy trì sản xuất thì công nhân mới có thu nhập… Để triển khai, doanh nghiệp này phải thực hiện 4 bước quan trọng: 4 lần họp để kêu gọi và đạt được sự đồng thuận của 65% người lao động; test COVID-19 đầu vào; lo chỗ ăn uống, ngủ, nghỉ cho người lao động (chỉ được chuẩn bị trong vòng 48 tiếng) và phải chuẩn bị nguyên, vật liệu đủ cho sản xuất.

Còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Hạnh Phúc (Bình Dương) đã phải xây dựng thêm 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, phân theo các khu vực. Người lao động đều được test nhanh, test RT-PCR, có người được test tới 5 lần. Công ty cũng thiết lập tới 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của người lao động với tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Chi phí để thực hiện được mô hình này là nhiều vô kể.

Zing vừa thực hiện phỏng vấn 1 số công nhân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, nhiều công nhân tại các nhà máy ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có tâm lý lo sợ dịch bệnh nên muốn về quê. Số khác sau khi nghe tin nhiều ca nhiễm trong công ty "3 tại chỗ" cũng hoang mang, muốn nghỉ việc.

"Nhiều bạn bè của tôi đã bỏ việc về quê, một số vẫn cố bám trụ lại. Bây giờ nếu đi làm phải ăn, ngủ, sinh hoạt trong nhà máy với hàng trăm, nghìn công nhân sẽ rất nguy hiểm. Tôi đang tính sẽ nghỉ việc về quê vì gia đình ở nhà cũng rất lo lắng", một công nhân của một nhà máy sản xuất bánh kẹo tại Bình Dương nói với Zing.

Thực tế cho thấy, không thể có một đáp án chung cho các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Việc áp dụng mô hình này ở các tỉnh, thành phố phía Nam không mấy hiệu quả, thậm chí đây chính là nơi dịch bệnh khu trú và loang ra rất nhanh, thành những chùm lây nhiễm.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Timberland (Tân Uyên, Bình Dương) có 7.783 lao động. Từ ngày 17/7 đến nay, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Công ty đã tổ chức cho gần 1.500 người lao động ở tại công ty làm việc, thực hiện “3 tại chỗ”, trong đó có 165 lao động nước ngoài.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, Công ty đã tổ chức nhiều đợt test nhanh và test RT-PCR cho trên 1.500 người; đã phát hiện 233 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đa phần các trường hợp dương tính đều cách ly tại ký túc xá, chỉ một số được đưa đi cách ly tập trung. Nhiều trường hợp dương tính thường xuyên bị sốt cao, mệt mỏi. Đặc biệt, nhân viên tình nguyện chăm sóc cho các ca dương tính tại khu cách ly cũng đã nhiễm bệnh. Do đó, Công ty không có lực lượng trực tiếp chăm sóc, thăm khám cho bệnh nhân.

“Việc để các ca dương tính ở lại thật sự là vấn đề vượt ngoài khả năng xử lý của Công ty, có nguy cơ đe đọa đến an toàn sức khỏe, gây hoang mang tinh thần công nhân viên còn lại. Mặt khác, hiện tại khu vực cách ly của Công ty đã được bố trí ở kín các phòng, trong thời gian tới, nếu phát hiện ca dương tính mới sẽ không còn chỗ bố trí cách ly,” đại diện Công ty này chia sẻ.              

Còn công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (Dĩ An, Bình Dương), đã bố trí cho 300/800 công nhân sản xuất theo tiêu chí “3 tại chỗ” từ ngày 10/7, số này đều đã được test cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Thế nhưng, ngày 20/7, Công ty này đã phát hiện ca F0 đầu tiên qua test nhanh và chỉ trong vòng 5 ngày, số ca F0 đã lên đến 248 người, trong đó có trường hợp đã tử vong. Trong công văn khẩn gửi đến UBND tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này cho biết “đã kiệt sức, không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng, chống dịch được nữa”. Họ chỉ mong chính quyền giải quyết đưa người đi chữa trị và về nhà tự cách ly.

Đề xuất mô hình '2 tại chỗ'

Từ thực tế áp dụng mô hình “3 tại chỗ” không mấy hiệu quả tại các tỉnh, thành phía Nam, nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng mô hình "2 tại chỗ" (ăn uống và làm việc tại chỗ) tùy vào tình hình dịch ở các địa phương.

Phát biểu trên báo Tuổi trẻ, ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất kéo dài khiến nhiều ngành sản xuất công nghiệp lớn, trọng điểm như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và lâm sản… có thể bị mất đơn hàng.

Bởi Mỹ, châu Âu đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Vì thế, cần giảm thiểu tình trạng ngừng hoạt động của doanh nghiệp để tránh nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng khi các khách hàng lớn chuyển dịch đơn hàng sang các nước đối thủ khác.

Cùng với tình trạng doanh nghiệp ngừng sản xuất thì hàng chục nghìn công nhân về quê, theo ông Hoài, nếu không có đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng và sự chuẩn bị tốt thì khi dịch bệnh được kiểm soát có thể dẫn tới tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy. Như vậy sẽ rất khó đảm bảo được khả năng cung ứng, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn cho các tập đoàn đa quốc gia.

"Bằng mọi giá phải cố gắng duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu, phân loại các vùng nguy cơ, nơi nào đảm bảo an toàn phải duy trì hoạt động" - ông Hoài nhấn mạnh và cho rằng trước mắt có thể cân nhắc phương án "3 tại chỗ" với doanh nghiệp có đủ điều kiện và kiểm soát được an toàn dịch bệnh. Với những doanh nghiệp ở vùng an toàn, có mức độ công nhân ở tập trung cao (nơi gần nhà máy), có thể triển khai phương án "2 địa điểm, 1 cung đường" (công nhân chỉ đi làm và về nhà).

Trả lời Zing, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, cũng đề xuất có thể cân nhắc cho phép lao động đã tiêm vaccine đi về nhà, giúp nhẹ gánh chi phí 3 tại chỗ. "Không thể biến doanh nghiệp thành khu dân cư mãi được. Tâm lý lao động ở doanh nghiệp lâu dài sẽ bức bối khi bị kiểm soát khắt khe", ông nói.

Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế để cho doanh nghiệp thay đổi người lao động bằng quy trình nghiêm ngặt. Thực tế, ông cho biết trong quá trình hoạt động có những sự cố khiến người lao động muốn về nhưng cơ chế như hiện nay lại rất khó khăn để giải quyết những trường hợp này.

"Có những địa phương đã ban hành văn bản sẽ hình sự hóa nếu doanh nghiệp cho người lao động rời khỏi công ty. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động đã quyết tâm thì doanh nghiệp cũng không thể ép buộc được, mà nếu giữ họ ở lại thì năng suất làm việc cũng không cao", ông chia sẻ.

Còn theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, thực tiễn từ các đơn vị cho thấy tình trạng lây nhiễm diễn ra là do khi cung ứng hàng thực phẩm, công nhân tập trung đông nên lây nhiễm chéo.

Mô hình "3 tại chỗ" áp dụng thành công ở miền Bắc nhưng mỗi đợt dịch và mỗi vùng miền có đặc thù khác nhau, không thể áp dụng khiên cưỡng được.

Bà Hương cho rằng với những địa bàn không có ca nhiễm thì có thể khoanh vùng diện hẹp ("vùng xanh" cả ở chỗ làm và chỗ ở của công nhân) để doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình "2 tại chỗ" (tạo 1 cung đường, người lao động vẫn được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối việc kiểm soát dịch bệnh).

Bà Hương lưu ý 4 ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử, gỗ và lâm sản có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỉ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch cả nước, với 8 triệu lao động, và nhấn mạnh cần đẩy nhanh hơn chiến lược tiêm vắc xin trên cơ sở huy động mọi nguồn lực công - tư tham gia, tổ chức nhiều mô hình tiêm.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như tăng giờ làm thêm (quy định hiện nay là 40 giờ) với doanh nghiệp vẫn sản xuất được để bù đắp số lượng nhân công giảm.

H.A (t/h)

Xem thêm: Hơn 3.000 nhà máy ở Bình Dương giữ nhịp sản xuất nhờ thực hiện “3 tại chỗ”