Doanh nghiệp tại Bình Dương đã được vay ưu đãi 223.000 tỷ đồng để khôi phục hoạt động sản xuất
Ngày 22/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đồng hành, chia sẻ, cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch COVID-19. Trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy… từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng.
Dù vậy, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng.
Đặc biệt, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241.000 tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%); tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hội nghị được tổ chức nhằm đối thoại, trao đổi giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp liên quan đến triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID.
Cũng theo Phó Thống đốc, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Đề nghị ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay
Mặc dù đánh giá cao những hỗ trợ từ phía ngân hàng, để phục hồi sản xuất kinh doanh, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sớm có gói cấp bù lãi suất cho vay mức 3%-4%.
Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hầu hết các Hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gia hạn nợ gốc và lãi cho các doanh nghiệp từ 3-18 tháng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất và giảm phí để các doanh nghiệp có điều kiện bổ sung vốn vào sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng mong muốn thủ tục gia hạn được đơn giản, không yêu cầu quá nhiều thủ tục gia hạn nợ theo quy định tại Thông tư 14 vì hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và “nằm im” trong thời gian qua, nếu yêu cầu nhiều thủ tục thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ không đáp ứng được.
Ngoài mong giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp còn đề nghị được thế chấp bằng quyền thu nợ để tăng khả năng tiếp cận vốn và kéo dài thời gian cơ cấu nợ dài hơn so với quy định là ngày 30/6/2022 tại Thông tư 14.
Tiếp thu các ý của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại phải cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỷ đồng của 16 ngân hàng thương mại (riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho các khách hàng). Rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thống nhất, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống chính sách cho vay vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất.