Doanh nghiệp thép bắt đầu thấy tín hiệu khởi sắc, triển vọng nửa cuối năm ra sao?

Thùy Dương 10:01 | 26/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi rõ rệt từ quý III/2023. Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng nhu cầu năm nay, bù đắp cho sự suy yếu ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo đó, WSA dự kiến nhu cầu thép năm 2023 sẽ tăng 40,8 triệu tấn đạt 1,8223 tỷ tấn, kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong tháng 8 - tháng 9. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, hoạt động xây dựng bất động sản có thể tăng vào cuối năm 2023, nhưng các chỉ số chính của ngành vẫn yếu. Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng đang chuyển sang các dự án sử dụng ít thép hơn. 

Về phía cung, số liệu mới nhất của WSA cho thấy sản lượng thép thô của 64 quốc gia trên toàn thế giới đạt 161,4 triệu tấn trong tháng 4 năm 2023, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Trung Quốc, sản lượng gang và sản phẩm thép tháng 5 đạt lần lượt 77 triệu tấn và 118,5 triệu tấn, giảm gần 5% và 1,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn xuất khẩu ròng hơn 7,7 triệu tấn thép thành phẩm trong tháng 5 và 20,8 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm, tăng lần lượt 11% và 60% so với cùng kỳ.

Giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 5, là một lợi thế của nước này trong xuất khẩu. Giá thép hạ thấp có thể kích thích người mua bổ sung và thúc đẩy sự phục hồi theo từng giai đoạn trên thị trường. Dự kiến, giá thép Trung Quốc sẽ dao động ở mức thấp và có sự phục hồi nhất định trong tháng 6.

Về phía cầu, nhu cầu thép toàn cầu được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023 sau khi giảm 3,2% năm 2022. Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng nhu cầu năm 2023, bù đắp cho sự suy yếu ở Châu Âu và Hoa Kỳ. 

  Sản lượng thép thô thế giới đến tháng 4/2023 (Nguồn: World Steel).

Đối với thị trường trong nước, tại Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất thép thô đạt 7,5 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ đạt 7,6 triệu tấn. Xuất khẩu thép thô đạt 696.839 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất thép thành phẩm đạt 11,091 triệu tấn, giảm 21,8%; bán hàng thép thành phẩm đạt 10,409 triệu tấn, giảm 19,3% cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,154 triệu tấn, tăng 2,6% cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: VSA.

Riêng tháng 5, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,224 triệu tấn, tăng 2,3% so với tháng 4 nhưng giảm 19,7% so với cùng kỳ 2022; Bán hàng thép các loại đạt 2,309 triệu tấn, tăng 13,62% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2022.

Tương ứng với số liệu này, kết quả sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm của một số doanh nghiệp ngành thép trong tháng 5 cũng đã cho thấy sự cải thiện so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái do sức mua của thị trường hồi phục chậm, thị trường bất động sản khó khăn và giải ngân vốn đầu tư công thấp. 

 Nguồn: VSA.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho hay đã sản xuất 565.000 tấn thép thô trong tháng 5, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4 vừa qua.

Riêng mảng thép xây dựng, Hòa Phát đạt 284.000 tấn, giảm 27% so với tháng 5 năm trước nhưng tăng 33% so với tháng 4. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng ghi nhận 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép và tôn mạ của Tập đoàn đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Ống thép đạt trên 57.000 tấn, tăng 12%. Tôn mạ các loại cung cấp 34.000 tấn cho thị trường trong và ngoài nước, tăng gấp đôi so với tháng 5/2022.

 

Lũy kế 5 tháng, Hòa Phát đã sản xuất 2,34 triệu tấn thép thô, giảm 36% so với 5 tháng đầu năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 2,36 triệu tấn, giảm 31% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng đạt 1,36 triệu tấn, giảm 33%. Thép cuộn cán nóng ghi nhận 965.000 tấn, giảm 21% so với cùng kỳ 2022.

Sau 5 tháng, ống thép Hòa Phát đã cung cấp 266.000 tấn, giảm 14%, sản phẩm hạ nguồn HRC khác là tôn mạ đạt 136.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng đầu năm, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) sản xuất 465.666 tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và sản lượng tiêu thụ đạt 445.635 tấn. Thị phần tiêu thụ cả nước tiếp tục dẫn đầu thị trường với 23,97%.

Sản lượng sản xuất ống thép đạt 90.281 tấn, tiêu thụ 106.357 tấn trong 5 tháng và đứng ở vị trí thứ 2 trên thị trường với 10,77% thị phần (xếp sau Hòa Phát với 27,02%).

Cùng giai đoạn, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã sản xuất 291.304 tấn tôn mạ, sản lượng bán hàng đạt 286.699 tấn. Thị phần của Nam Kim đứng thứ 3 toàn quốc với 17,5%, xếp sau Hoa Sen (27,2%) và Tôn Đông Á (19,1%).

Tháng 5, kết quả sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN) đã có sự cải thiện so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Toàn hệ thống VNSteel tháng 5 đạt sản lượng bán hàng 222.000 tấn, tăng 11% so với tháng trước và bằng 86% cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu sản lượng tiêu thụ tháng 5, thép xây dựng đóng góp trên 163.700 tấn, tôn mạ 23.000 tấn, thép cuộn cán nguội trên 35.300 tấn. Tôn mạ tiếp tục được đà tăng trưởng, khi đã tăng 56% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, tiêu thụ thép thành phẩm đạt trên 1.085.000 tấn các loại, bằng 70% cùng kỳ năm 2022. Trong đó thép xây dựng đạt 822.200 tấn, thép cuộn cán nguội đạt 172.400 tấn, tôn mạ đạt trên 90.400 tấn.

 

Triển vọng ngành thép nửa cuối năm nay

Chia sẻ tại Hội thảo Triển vọng thị trường thép Trung Quốc - Việt Nam, ông Đoàn Danh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH TM Thép Toàn Thắng nhận định, tiêu thụ thép sẽ tăng trưởng mạnh trong quý III và IV nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó dành 113.840 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, tập trung vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các cảng Logistics lớn. Điều này kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao.

Ngoài ra, trong tháng 2, Chính phủ đã phê duyệt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án nhà ở xã hội. “Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay có thể tăng trưởng mạnh”, ông Tuấn nhận định.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực hơn so với thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ giá thép trong thời gian tới. Theo đó, năm 2023 với những dự báo còn khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,47% - 6,83%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 1,5%, Mỹ thậm chí thấp hơn, khoảng 0,5%; còn với các nước Đông Nam Á trung bình khoảng 5%.

Về dài hạn, ông Tuấn cho cho rằng nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ khoảng 240 kg/đầu người và sẽ tăng lên 290 kg/đầu người vào năm 2030. Nhu cầu thép sẽ tập trung nhiều vào hợp kim hoặc thép chất lượng cao.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, báo cáo mới nhất về triển vọng ngành thép của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự kém tích cực của thị trường Trung Quốc là diễn biến bất lợi cho các nhà sản xuất và kinh doanh thép tại Việt Nam, mặc dù các thông điệp từ đợt Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của các doanh nghiệp tiêu biểu kỳ vọng khá lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành thép trong nước, khi giá các nguyên liệu và bán thành phẩm ngành thép thế giới đang trong xu hướng giảm và có thể gây áp lực lên giá thép tại Việt Nam trong những tháng tới. 

Nhận định thị trường sắt thép, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết: “Xét về cơ cấu tiêu thụ, phần lớn sản lượng sắt thép hiện nay vẫn được dùng để phát triển các dự án bất động sản. Vì thế, trong bối cảnh chi phí tín dụng gia tăng khiến cho ngành xây dựng và bất động sản gặp khó, nhu cầu tiêu thụ đối với sắt thép cũng chưa thể tăng mạnh như kỳ vọng hồi đầu năm.”

Kể từ đầu tháng 6, giá quặng sắt đã tăng trở lại nhờ một loạt những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực. Sức mua gia tăng trước kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ một cách rõ ràng hơn đối với nền kinh tế. Các nhà phân tích đang dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10,75% về 10,50% trong quý III tới.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cũng sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết NHNN “sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, và dự kiến mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.” Động thái này sẽ góp phần làm giảm bớt áp lực tín dụng, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Phạm Quang Anh, tín hiệu nới lỏng chính sách trên thế giới và cả trong nước sẽ là yếu tố giúp cho thị trường bất động sản khởi sắc, đồng thời, góp phần làm tươi sáng triển vọng của ngành sắt thép trong 6 tháng cuối năm.