Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần làm gì khi phía Trung Quốc siết kiểm dịch ?

18:32 | 08/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp trên toàn thế giới và lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh của một số nước trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, bao gồm cả việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. 
 
Ngày 8-12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin từ báo chí Indonesia cho biết Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh của Indonesia sau khi phát hiện virus corona (SARS-CoV 2 gây ra bệnh Covid-19) trong các mẫu sản phẩm.
 
Theo quy định của Hải quan Trung Quốc, các nhà cung cấp thực phẩm đông lạnh có mẫu sản phẩm dương tính với SARS-CoV 2 sẽ bị đình chỉ hoạt động trong vòng 1 tuần. Đây là lần thứ hai thủy sản đông lạnh từ Indonesia bị Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu sau khi một số mẫu sản phẩm bị phát hiện dương tính với SARS-CoV 2.
 
Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cũng đang đề nghị bổ sung nội dung chứng nhận áp dụng hiệu quả biện pháp phòng chống Covid-19 cũng như kiểm tra trực tuyến điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống Covid-19 của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào nước này. 
 
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần làm gì khi phía Trung Quốc siết kiểm dịch ? - ảnh 1
 
Trong thời gian vừa qua, Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cũng đã cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh của Việt Nam nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu và một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm. 
 
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc nghiêm túc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống Covid-19 của cơ quan chức năng; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, bằng chứng về kết quả thực hiện và sẵn sàng cung cấp cho Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc trong trường hợp được đề nghị kiểm tra trực tuyến. 
 
Chủ động liên hệ với khách hàng Trung Quốc để chuẩn bị, cung cấp kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 tại doanh nghiệp, kể cả kết quả thẩm tra lấy mẫu xác xuất xét nghiệm Covid-19 đối với mẫu bao bì, sản phẩm trước khi xuất khẩu khi được yêu cầu. 
 
Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp đề nghị Ban chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh/thành phố cung cấp xác nhận tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và hiệu quả các biện pháp phòng chống Covid-19 mà doanh nghiệp đã triển khai. 
 
Chủ động rà soát chương trình quản lí chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp phù hợp để kiểm soát hiệu quả mối nguy an toàn thực phẩm và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 
 
Trong đó, riêng đối với các chỉ tiêu dịch bệnh trên tôm, cần thu thập thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh trên tôm tại các vùng thu hoạch ở địa phương, để nhận diện và có biện pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp, hiệu quả. 
 
Trước đó, Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT theo dõi diễn biến, nghiên cứu và xử lí thông tin về việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
 
VASEP cũng đề nghị các doanh nghiệp cá tra cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin kịp thời xuất hàng đến các cảng không bị kẹt, đồng thời thương lượng để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lí.
 
Do Trung Quốc – Hồng Kông đang là thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và có tới hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang giao thương với thị trường này do đó việc ách tắc này khiến cho các nhà xuất khẩu lo lắng nguy cơ xuất khẩu đình trệ sang thị trường Trung Quốc và áp lực do các chi phí phát sinh từ kiểm hàng, lưu bãi, lưu công đối với hàng đông lạnh là rất lớn trong khi giá xuất khẩu giảm.
 
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng có ngay cuộc họp bàn thống nhất một số giải pháp tạm thời cho việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ tự tăng cường các biện pháp để phòng ngừa và giám sát dịch Covid-19 nghiêm ngặt hơn.
 
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần làm gì khi phía Trung Quốc siết kiểm dịch ? - ảnh 2
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động làm việc với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại địa phương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuỗi giám sát Covid-19 nhằm chứng minh với các đối tác việc tuân thủ phòng dịch theo tuần, lấy mẫu kiểm tra lô hàng theo tỉ lệ thích hợp.
 
Đồng thời CDC sẽ cấp giấy xác nhận để doanh nghiệp làm bằng chứng gửi cho nhà nhập khẩu, tăng độ tin cậy của nhà nhập khẩu đối với việc kiểm soát dịch Covid-19 của doanh nghiệp.
 
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 3,4% và cả năm 2020 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5%. Thị trường này đang có động thái kiểm soát chặt việc nhập khẩu thủy hải sản do lo sợ lây nhiễm COVID-19, do vậy, mức tăng xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo thấp hơn trong những tháng tới.
 
Nguyễn Dung(t/h)