Ghìm giá dịch vụ hàng hải để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

15:28 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, việc bình ổn giá dịch vụ hàng hải sẽ giúp các nhà máy, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19.

Bình ổn giá dịch vụ

Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cảng biển ổn định thị trường giá dịch vụ tại cảng biển trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị không tăng giá dịch vụ tại cảng biển. Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam.

Cục này cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng sản xuất để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Điều này dẫn đến việc lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, tồn đọng tại cảng hoặc thời gian giải phóng hàng chậm gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cảng. Đồng thời, các cảng thực hiện phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến”, tổ chức xét nghiệm cho người lao động làm phát sinh thêm chi phí hoạt động.

Cục Hàng hải Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp cảng biển không tăng giá dịch vụ hoặc không thu các dịch vụ phát sinh trong thời gian thực hiện biện pháp phòng dịch, bảo đảm bình ổn giá thị trường, hỗ trợ cho các nhà máy, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Trong trường hợp tăng giá dịch vụ, doanh nghiệp cảng phải thực hiện kê khai, niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển”, Cục Hàng hải khẳng định.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, tới nay, đơn vị chưa nhận được thông báo của doanh nghiệp nào về việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ.

Báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 7 tháng năm 2021 đạt 425.666.000 tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao như là: khu vực Thái Bình vẫn đang giữ mức tăng trưởng cao nhất là 64% (từ 1.091.300 tấn tăng lên 1.789.200 tấn), lượng tăng chủ yếu là hàng khô, tổng hợp.

Khu vực Đồng Tháp tăng 52% (từ 396.059 tấn tăng lên 601.823 tấn) chủ yếu là hàng khô và hàng tổng hợp nội địa. Khu vực Quảng Ngãi tăng 36%. Khu vực Thừa Thiên Huế tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, một số khu vực cảng biển có lượng hàng thông qua lớn nhất nước và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng như: Khu vực TP.HCM tăng 8,72% (8.296.000 tấn); Khu vực Vũng Tàu tăng 9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những khu vực có mức tăng trưởng cao vẫn có khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua giảm như khu vực cảng biển Mỹ Tho giảm 45% (từ 1.191.625 xuống còn 654.659 tấn); Khu vực Cần Thơ giảm 4%. Khu vực Quảng Ninh có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhưng giảm 16% (9.911.620 tấn) mức giảm chủ yếu lượng hàng khô và tổng hợp nhập khẩu giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đơn vị đã kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ tàu, doanh nghiệp hàng hải.

Nhờ sự vào cuộc tích cực, nhiều khó khăn của các doanh nghiệp vận tải biển được tháo gỡ. Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam.

Cục đã có nhiều chỉ đạo kịp thời đối với các Cảng vụ hàng hải triển khai thực hiện thông qua việc cắt giảm. Gộp các thủ tục hành chính công, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong điều hành công việc quản lý hành chính nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh.

Đối với ngành hàng hải, nơi có các cảng biển là đầu mối tiếp nhận tàu thuyền, thuyền viên nước ngoài, nội địa vào, rời cảng biển để thực hiện việc xuất, nhập khẩu, vận tải hàng hóa, hành khách phục vụ mục tiêu kép của Chính phủ cũng đứng trước những khó khăn, phát sinh thách thức mới đặt ra. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải đã nhất quán xác định cảng biển, vận tải biển đã, đang và sẽ là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất.

Do đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội vận tải biển và các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Cục đã đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hàng hải. Trong đó, cơ chế chính sách thu, nộp phí, lệ phí hàng hải đã góp phần giảm chi phí cho chủ tàu, doanh nghiệp hàng hải.

Đó là đa dạng hóa hình thức thu, nộp phí thông qua biên lai thu phí, lệ phí điện tử nhằm giảm tiếp xúc giữa người thu và người nộp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tạo thuận lợi trong lựa chọn hình thức nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp, chủ tàu.

Hiện nay, các doanh nghiệp, chủ tàu có thể lựa chọn hình thức: Nộp tiền mặt, nộp chuyển khoản hoặc phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác đồng thời nhận ngay biên lai thu phí, lệ phí điện tử từ các Cảng vụ hàng hải qua email đã đăng ký với Cảng vụ cho mỗi lần tàu thuyền vào, rời cảng biển, khu vực hàng hải.

Việc phát hành, sử dụng biên lai thu phí, lệ phí điện tử vừa đảm bảo thuận lợi cho người nộp, thay thế khâu viết hoặc in biên lai thủ công như trước đây, đồng thời giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí đi lại của doanh nghiệp, chủ tàu, góp phần vào thực hiện chủ trương, định hướng về xây dựng Chính phủ điện tử chung của Nhà nước.

Thông qua các cuộc đối thoại giữa Cục Hàng hải Việt Nam và các Hiệp hội, doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động đề xuất Bộ GTVT, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định thu phí, lệ phí hàng hải.

Ngay sau khi có các chính sách thu phí, lệ phí hàng hải mới được Bộ Tài chính ban hành, Cục Hàng hải Việt Nam đều thực hiện triển khai tổ chức tập huấn, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp chi tiết các tình huống thu phát sinh, đảm bảo việc thực hiện thu được áp dụng thống nhất, đúng quy định của Nhà nước tại các Cảng vụ hàng hải.