Doanh nghiệp tư nhân có liên kết với Nhật Bản được ưu tiên vay vốn ODA

14:55 | 10/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo ông Konaka Tetsuo – Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam, mặc dù không có quy định cụ thể về vấn đề này nhưng những doanh nghiệp Việt Nam có liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam sẽ được ưu tiên hơn khi xét hồ sơ vay vốn ODA.

Điều kiện để doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA

Theo dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.

Doanh nghiệp tư nhân tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; cũng như vay lại vốn ODA qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng...

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, có 3 lĩnh vực là đối tượng của hình thức vay vốn ODA là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vùng nghèo và các dự án về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, để được tiếp cận với nguồn vốn ODA thì các doanh nghiệp tư nhân phải hoạt động trong 3 lĩnh vực này.

Doanh nghiệp tư nhân có liên kết với Nhật Bản được ưu tiên vay vốn ODA - ảnh 1
Ông Konaka Tetsuo – Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam. (Ảnh: DNVN/Dương Hòa)

Việc cho doanh nghiệp tư nhân vay cũng sẽ rất khác với cho Chính phủ vay vì với các doanh nghiệp tư nhân thì có thể xảy ra trường hợp việc sản xuất, kinh doanh của họ không thuận lợi có thể dẫn tới doanh nghiệp phá sản. Vậy nên, trước khi quyết định cho một doanh nghiệp tư nhân nào đó vay vốn ODA thì đều được JICA xét duyệt rất kỹ.

“Để cho vay với các doanh nghiệp tư nhân thì chủ thể cho vay không nhất thiết chỉ có JICA mà còn có rất nhiều cơ quan tài chính khác và các ngân hàng Việt Nam cũng có thể cung cấp vốn cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, JICA vẫn tham gia vì sẽ có những công ty tư nhân hoạt động trên 3 lĩnh vực trên và có những yêu cầu kỹ thuật đặc thù, trong những trường hợp này chúng tôi sẽ hỗ trợ”, ông Konaka Tessuo cho biết.

Không có mức trần cho số tiền được vay

Cũng theo Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, không có một quy định nào yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản hay phải sử dụng nguyên liệu, vật tư, công nghệ từ Nhật Bản mới được vay vốn ODA. Tuy nhiên, nếu các doanh  nghiệp Việt Nam có sự gắn kết với các doanh nghiệp Nhật Bản thì cũng sẽ được ưu tiên hơn khi xét hồ sơ vay vốn.

Về số tiền được vay, đại diện JICA cho biết sẽ không có một giới hạn nào cho vấn đề này. Vì vậy, bất cứ doanh nghiệp nào kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đều có khả năng trở thành đối tượng được cho vay.

JICA cũng sẽ liên kết với một số tổ chức tài chính quốc tế khác như IFC hay ngân hàng ADB để cùng tham gia những dự án cho vay này.

Trong 5 năm qua, tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm, Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam là 160 tỷ yên (32.500 tỷ đồng) theo hình thức vốn vay, 2,3 tỷ yên (467 tỷ đồng) theo hình thức viện trợ không hoàn lại và 8,7 tỷ yên (1.760 tỷ đồng) theo hình thức hợp tác kỹ thuật.