Doanh nghiệp tư nhân đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng

08:47 | 23/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là khẳng định của đại diện các doanh nghiệp tư nhân tại phiên toàn thể của “Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020”.

Đánh giá về Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55), tại phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020, ông Trần Sĩ Chương - Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG đánh giá, Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là “nét đột phá”, “xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra những giải pháp rất thiết thực và cụ thể, đem đến niềm hy vọng cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành năng lượng trong 10 năm, 20 năm tới”.

Doanh nghiệp tư nhân đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng - ảnh 1
Phiên toàn thể của “Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho hay, Nghị quyết 55 ra đời khiến khối doanh nghiệp tư nhân rất vui mừng. Gần đây nhất, Trung Nam đã được chấp thuận đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500 kV Trung Nam - Thuận Nam và đường dây 220 kV, 500 kV, dự kiến sẽ hoàn thành và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, có hai vấn đề lớn được nêu ra trong Nghị quyết 55 khiến khu vực tư nhân “nức lòng”. Đó là: Tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, đây là sự khẳng định rất mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ về sự không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực. Và, đã tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.
“Hai điểm này đã làm cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đã và đang tham gia vào ngành năng lượng vui mừng. Song, để từ niềm vui đó đến hiệu quả thực tế, chúng ta cần xây dựng một cơ chế cụ thể, nhằm hiện thực hóa chỉ đạo này của Bộ Chính trị. Những doanh nghiệp tư nhân như Trung Nam chúng tôi rất mong chờ những cơ chế cụ thể, tạo ra một hành lang pháp lý, để triển khai, cùng đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư phát triển năng lượng”, ông Tiến cho biết.
Qua diễn đàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản cụ thể cũng như những điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng quốc gia.
Ghi nhận những ý kiến tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để thực sự phát huy được tất cả những chủ trương, đường lối đúng đắn trong Nghị quyết 55 cần nhiều yếu tố. Không chỉ tập trung phát triển nguồn năng lượng hay hạ tầng mà còn phải đổi mới cơ cấu kinh tế để đảm bảo hiệu suất sử dụng năng lượng trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả. Những vấn đề này đều là trọng tâm trong Chương trình hành động quốc gia về năng lượng sẽ được ban hành trong tháng 7 này.
Doanh nghiệp tư nhân đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng - ảnh 2
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn từ những nước phát triển Anh, Phần Lan hay các tổ chức quốc tế như UNDP, không chỉ trong phát triển năng lượng tái tạo mà còn trong phát triển năng lượng bền vững gắn với bảo vệ môi trường thông qua các giải pháp cụ thể trong Nghị quyết 55.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp tư nhân liên quan đến cơ chế chính sách cần phải đột phá trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu vực công tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng theo những quán điểm đổi mới của Nghị quyết 55.
Nghị quyết 55 đã khẳng định cần phát triển các trung tâm năng lượng lớn của cả nước, khai thác các trung tâm năng lượng gió, điện khí, năng lượng tái tạo... Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với các đề xuất của Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế. Những kiến nghị này sẽ được nghiên cứu và đưa vào quy hoạch của Chính phủ như Tổng sơ đồ 8.
Với những vấn đề cấp bách và cần có cơ chế đặc thù, ví dụ như giải quyết cơ chế đặc thù cho Tập đoàn Trung Nam đầu tư dự án truyền tải điện để giải toả công suất điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Từ thực tiễn này, các bộ, ngành sẽ khẩn trương sửa đổi Luật Điện lực và các bộ luật có liên quan khác để bảo đảm sự hạ tầng năng lượng truyền tải điện cũng như tháo gỡ những rào cản để bảo đảm sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển bền vững của năng lượng.
Một số ý kiến của các địa phương về giải toả công suất cũng như tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết đang xem xét bổ sung quy hoạch để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng nhất để đưa vào triển khai.
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm năng lượng của cả nước với gần 3.000 MW điện mặt trời và gần 1.000 MW điện gió song vẫn còn hơn 675 MW điện mặt chưa giải toả được công suất. Vấn đề này là do chưa đồng bộ quy hoạch với việc phát triển đột biến, đây là trách nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm bổ sung, phê duyệt các dự án truyền tải.
"Đây là bài học rút kinh nghiệm để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới để tiếp tục có giải pháp cho các tư nhân tiếp tục đầu tư các dự án truyền tải để giải toả công suất. Đây là giải pháp quan trọng để không chỉ Ninh Thuận, Bình Thuận mà còn các địa phương như Gia Lai, Quảng Trị... phát triển nguồn năng lượng và giải toả công suất", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.
Về giá điện, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, Chính phủ sẽ tập trung đưa ra chính sách theo hướng lấy vấn đề bảo đảm đời sống của người dân, xã hội và nền kinh tế là then chốt. Từ đó sẽ xem xét bổ sung vào Tổng sơ đồ VIII cũng như Sơ đồ điện khí quốc gia để có cơ sở vững chắc để triển khai thực hiện trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.