Doanh nghiệp Việt, Czech tìm cơ hội hợp tác đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam và Cộng hòa Czech có mối quan hệ ngoại giao truyền thống và đây chính là cơ sở vững chắc để tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Đại sứ đánh giá, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển, nhất là trong những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục trong 3 năm (775 triệu USD năm 2015; 912,5 triệu USD năm 2016; 1022,7 triệu USD năm 2017) và dự báo đạt 1,2 triệu USD năm 2018.
Tuy nhiên, Đại sứ Hồ Minh Tuấn cho rằng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế mỗi nước, nhất là cán cân thương mại giữa hai bên còn chênh lệch.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 681 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu từ Czech sang Việt Nam đạt gần 94 triệu USD thấp hơn nhiều so với giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Czech.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 4/2018, Cộng hòa Czech có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 110 triệu USD, trong khi đó Việt Nam có 4 dự án đầu tư vào Czech với tổng số vốn đăng ký khoảng 5 triệu USD.
Đại sứ Hồ Minh Tuấn chia sẻ, hội thảo lần này là dịp để VCCI Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Czech cùng các doanh nghiệp hai nước chia sẻ thông tin về thị trường mỗi nước, thảo luận cụ thể nhằm đề xuất biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, bà Trần Hồ Lan-Giám đốc Trung tâm thông tin kinh tế thuộc VCCI cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong hợp tác, đầu tư ở nước ngoài là việc tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi. Do vậy, đoàn VCCI và các doanh nghiệp Việt Nam sang Czech lần này mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác để có được nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Czech.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Czech Stanislav Kazecky nhất trí với đánh giá của Đại sứ Hồ Minh Tuấn về tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, sự phát triển tích cực cũng như những tồn tại trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương thời gian qua.
Các doanh nghiệp Czech mong muốn được sử dụng lao động Việt Nam có tay nghề cao. Trong thời gian qua, Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Czech đã kiến nghị Chính phủ Czech có chính sách tạo điều kiện cấp visa cho lao động Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Czech.
Ông Stanislav Kazecky cho biết, trong quá trình tổ chức các giao dịch thương mại-đầu tư, các doanh nghiệp Czech cũng như doang nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ của một số ngân hàng lớn của Czech, trong đó có Ngân hàng xuất khẩu Czech, Quỹ tín dụng Czech với những chính sách ưu đãi, đảm bảo pháp lý cũng như cơ chế linh hoạt, thuận lợi.
Trước đó, ngày 3/5, tại thủ đô Praha đã diễn ra Hội thảo Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu và DN Czech đã nghe giới thiệu về các chính sách khuyến khích ưu đãi trong hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech, cũng như một số dự án ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay. Trong đó, bà Zuzana Zahradníková, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa Czech với Việt Nam và hy vọng những trở ngại trong quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có vấn đề cấp thị thực, sẽ sớm được tháo gỡ: “Dù khoảng cách địa lý giữa hai nước là khá lớn, nhưng tôi nghĩ chúng ta lại rất gần gũi nhau về nhiều khía cạnh như: sự hiểu biết hay giáo dục. Tôi sẽ làm tất cả trong khả năng quyền hạn của mình để ủng hộ cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước. Những khó khăn trong vấn đề cấp thị thực cho công dân Việt Nam mong muốn sang Cộng hòa Czech làm ăn hay du lịch cũng cần được tháo gỡ để làm sao vấn đề này không còn cản trở hợp tác hai bên”.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Czech là một trong những trọng tâm trong chương trình hoạt động của Cơ quan đại diện Việt Nam nói chung và Thương vụ Việt Nam nói riêng tại Cộng hòa Czech trong năm 2018.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều đều tăng trưởng khá hàng năm, riêng năm 2017, lần đầu tiên trao đổi thương mại hai nước vượt ngưỡng 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước đó. Mặc dù vậy, cán cân thương mại luôn ở vị trí mất cân bằng, chủ yếu là hàng hóa xuất khẩu từ phía Việt Nam.
Trong khi đó, đầu tư của Czech vào Việt Nam và ngược lại còn khá khiêm tốn. Tính hết tháng 4/2018, Czech có 36 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 100 triệu USD, còn Việt Nam mới chỉ có 4 dự án đầu tư vào Czech với tổng trị giá 5 triệu USD. Tiêu biểu là Dự án Công ty CP Omega Star đầu tư 2,7 triệu USD kinh doanh bất động sản; Dự án của Công ty cổ phần Contrexim đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD. Tỉ trọng đầu tư trung bình trên một dự án còn quá thấp, mới chỉ đạt khoảng 2-3 triệu USD/dự án. Các dự án của Việt Nam đầu tư sang Czech chủ yếu dưới hình thức liên doanh.
Tính đến hết năm 2007, khoảng 3.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại Czech với mức lương trung bình là 600 USD. Việt Nam từ vị trí thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu lao động sang Czech lên vị trí thứ 4. Theo các nhà quản lý lao động và lãnh đạo các nhà máy thì lao động Việt Nam được đánh giá cao ở sự nhanh nhẹn, khéo léo và chăm chỉ. Kết quả thăm dò dư luận được hãng CVVM thực hiện trong tháng 3/2018 cho thấy cộng đồng người Việt tại Czech được yêu thích thứ 3 trong số các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây.
Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của người lao động, cần có sự quản lý giám sát chặt chẽ của các cơ quan có liên quan đối với việc tuyển dụng và các thủ tục xuất khẩu lao động cũng như việc sử dụng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp tại Czech.