Doanh nghiệp Việt lãi hơn 500 tỷ đồng/năm từ găng tay y tế xuất ngoại

09:27 | 29/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có lợi nhuận tăng đột biến lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm nhờ đơn hàng dồi dào giữa mùa dịch.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận đơn hàng sản xuất xuất khẩu cho đến hết năm 2022, thậm chí phải từ chối đơn hàng vượt quá công suất.
 

Đơn hàng dồn dập

 
Đến thời điểm này, Công ty VRG Khải Hoàn đã trong tình trạng đầy công suất và thường xuyên phải từ chối đơn hàng. Nếu từ năm 2019 trở về trước, đơn đặt hàng của công ty chỉ đủ chạy 70%-80% công suất nhà máy.
 
Nhưng bước vào năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, các đối tác nước ngoài truyền thống của Khải Hoàn đã nhanh chóng đặt đơn hàng găng tay y tế lớn để dự trữ, cùng với đó các khách hàng mới cũng liên tục đặt hàng.
 
Ông Dương Duy Phú, Tổng giám đốc Công ty VRG Khải Hoàn, cho biết ngay đầu năm 2021, công ty đã chốt đơn hàng sản xuất cho đến hết năm 2022. Hầu hết hàng chủ yếu xuất đi sang các nước Mỹ, châu Âu, Nhật và phần còn lại phục vụ cho thị trường nội địa.
 
“Là công ty sản xuất trong lĩnh vực y tế, nhờ dịch bệnh đã đẩy mạnh về sản lượng và giá nên năm 2020 chúng tôi có mức lãi đột biến hơn 500 tỷ đồng, con số chưa từng có trước đây, vì lãi bình quân hằng năm chỉ đâu đó khoảng 5-10 tỷ đồng” - ông Phú vui mừng chia sẻ.
 
Và Khải Hoàn cũng nhìn thấy triển vọng thị trường trong các năm tiếp theo nên quyết định xây thêm nhà máy nâng công suất từ 2,5 tỷ chiếc găng tay lên 5 tỷ chiếc găng tay. Việc quyết tâm đầu tư, theo ông Phú, không phải trông chờ dịch bệnh tiếp tục kéo dài, mà vì dịch bệnh khiến cho nhiều người có thói quen đeo găng tay bảo vệ bản thân và người trong gia đình, cũng như các nước đã khởi động nguồn dự trữ quốc gia về sản phẩm y tế.
 
Sản phẩm đồ gỗ cũng nhận được nhiều tin vui, bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty Chế biến gỗ Thuận An, bày tỏ sự ngạc nhiên về đơn hàng dồn dập đổ về ngay trong những tháng đầu năm 2021. Vì cũng thời điểm này năm ngoái, công ty bị khách hàng hủy, giãn đơn hàng và thậm chí mất 1,5 tháng không có việc làm vì dịch bệnh hoành hành.

“Hiện nay đơn hàng về nhiều vượt gần 30% công suất của nhà máy. Theo chúng tôi tìm hiểu, do tình hình dịch COVID-19, ở nước ngoài mọi người làm việc ở nhà nên họ có nhu cầu trang bị giường tủ mới để tạo không gian đẹp hơn, mà họ ở nhà cũng lùng mua online nhiều nên tự dưng nhu cầu bán hàng tăng lên” - bà Xuyến nói.

Theo bà Xuyến, hàng của gỗ Thuận An chủ yếu đi những thị trường cao cấp như Mỹ chiếm đến 40% sản lượng sản xuất, xuất sang Anh là 15% và phần còn lại là các thị trường khác. Một mặt nhờ sự thuận lợi của thị trường, mặt khác nhờ công ty đáp ứng được các yêu cầu khó nhằn nhất của khách hàng đã giúp lấy được nhiều đơn hàng.
 
Lãi hơn 500 tỷ đồng/năm từ găng tay y tế xuất ngoạiCông nhân làm việc trong nhà máy sản xuất găng tay y tế xuất khẩu tại Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Doanh nghiệp xếp hàng mở thêm nhà máy


Không nằm trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu thực hiện dịch vụ cho thuê nhà xưởng nhưng Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên (Bình Dương) đã có những hiệu quả kinh doanh cực tốt. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh cũng như sự thuận tiện về cơ sở hạ tầng, KCN này luôn trong tình trạng lấp đầy.

Theo ông Hà Trọng Bình, Giám đốc KCN Nam Tân Uyên, đất đai tại đây được các doanh nghiệp thuê không phải đầu cơ mà chủ yếu đầu tư nên việc xây dựng nhà máy sản xuất chiếm gần 80%, phần còn lại đang triển khai xây dựng nhà máy.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất pin công nghệ cao đang xếp hàng đăng ký 50-100 ha đất để mở thêm nhà máy khi được biết chúng tôi đang mở rộng thêm diện tích KCN” - ông Bình tiết lộ.

Tính riêng trong năm 2020, doanh thu của KCN Nam Tân Uyên đã đạt gần 500 tỷ đồng và dự kiến năm 2021 tiếp tục tăng mạnh. Và đây là một công ty đang niêm yết trên sàn UpCOM nhưng có giá cổ phiếu không thua kém các công ty lớn trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Lý giải về điều này, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho biết vì giãn cách xã hội, các nhân viên tại các nước phát triển buộc phải làm việc ở nhà nên đã gia tăng mua sắm các hàng hóa phục vụ công việc. Và Việt Nam đang có vị thế tốt cung ứng các sản phẩm này.
 
Có thể nhìn thấy doanh số xuất khẩu của Việt Nam đặc biệt tăng mạnh ở sản phẩm điện tử và đồ nội thất.

Đối với lĩnh vực phát triển KCN của Việt Nam, ông Michael Kokalari nhận định đây là phân khúc nóng nhất của ngành bất động sản cả nước vào năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy sang Việt Nam và dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh xu hướng này. Đất KCN phía Nam đang trở nên nóng hơn với giá thuê tăng theo hằng năm” - ông Michael Kokalari phân tích.
 
Thiếu container làm khó xuất khẩu

Dù có kết quả kinh doanh tích cực, thị trường khởi sắc nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn nhiều nỗi lo. Ông Dương Duy Phú, Tổng giám đốc Công ty VRG Khải Hoàn, cho biết hiện các nguyên vật liệu đầu vào phải nhập từ nước ngoài, giá tăng rất mạnh 20%-40% tùy chủng loại.
 
Nguyên nhân là do vấn đề thiếu container cũng như nguồn hàng trong nước không thể đáp ứng.

Cũng gặp tình trạng tương tự, bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty Chế biến gỗ Thuận An, cho hay tình trạng thiếu container khiến công ty hàng hóa sản xuất xong nhưng không thể giao cho khách hàng, mà có thời điểm ứ đọng hàng tương đương với 38 container. Và công ty buộc phải thuê thêm nhà kho để giải phóng mặt bằng sản xuất, còn nếu để hàng kẹt cứng thì không tăng năng suất được, thiệt hại nhiều hơn.

Báo cáo chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của IHS Markit cho thấy trong tháng 2, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng và con số này dự báo tăng sáu tháng liên tiếp. Nguyên nhân nhu cầu thị trường quốc tế cải thiện dẫn đến sản lượng tăng trở lại.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu ra những khó khăn trong việc mua hàng từ nước ngoài do thiếu container chuyển hàng và do nhu cầu nguyên vật liệu của thế giới vượt quá khả năng cung cấp đã dẫn đến kéo dài thời gian giao hàng. Sự mất cân bằng này tiếp tục làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh. 

Theo PLO