Doanh nghiệp xuất khẩu phàn nàn trong việc khó xin cấp giấy đi đường

11:54 | 24/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để được cấp giấy đi đường, các DN phải phải xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn tất thủ tục xin cấp giấy đi đường theo quy định mới này.

Doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất nếu không được lưu thông

Ngày 21/8/2021 nhằm tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản số 2796/UBND-VX do Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình ký.

Theo đó, để cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp phải xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu trong thời gian giãn cách từ ngày 23/8 đến 06/9/2021. Tuy nhiên, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp sợi trên địa bàn TP.HCM đã không thể hoàn tất thủ tục xin cấp giấy đi đường theo quy định mới này.

VCOSA cho rằng quy định khung thời gian như vậy chưa hợp lý khi doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất, nên có thể dẫn tới lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên.

Theo VCOSA, để đảm bảo duy trì sản xuất, cán bộ nhân viên của doanh nghiệp cần thiết lưu thông trên đường đến các cơ quan khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ bổ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu mới kịp thời gian cho các đơn hàng xuất và nhập khẩu sắp tới (có thể lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên), nhưng doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục sản xuất nếu không được lưu thông và hệ quả là đơn hàng không đảm bảo được tiến độ giao theo cam kết, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, bị hủy đơn hàng, phạt vi phạm hợp đồng, chi phí lưu kho lưu bãi tăng cao...

VCOSA cũng nêu thực tế trong sáng 23/8 tại Sở Công thương, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến từ rất nhiều khu vực, trong khi chỉ có một nhân viên phụ trách 2-3 quận huyện, mất rất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, VCOSA mong muốn báo cáo tình hình thực tế các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện văn bản của UBND TP và có đề xuất, kiến nghị tới UBND TP.HCM cùng Sở Công Thương. Cụ thể:

Doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được cấp giấy đi đường sớm để đảm bảo tiến độ giao hàng đã cam kết. Bất kể thời hạn giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu không rơi vào thời gian giãn cách từ 23/8 đến 06/9/2021.

Kiến nghị UBND TP.HCM và Sở Công Thương xem xét giao Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM (HEPZA) phụ trách cấp giấy đi đường cho các đơn vị ở các KCN để tiết kiệm thời gian, thủ tục, dễ kiểm soát vì HEPZA hiện đã và đang quản lý doanh nghiệp, hiểu rõ hoạt động doanh nghiêp...

Xét tình hình thực tế sáng 23/08 tại Sở Công Thương, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến từ rất nhiều khu vực, trong khi chỉ có một nhân viên phụ trách 2-3 quận huyện, mất rất nhiều thời gian. Đề nghị Sở Công Thương xem xét và có phương án tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tài xế lái xe hàng của công ty có QR code không thể lưu thông từ nhà tới bãi đậu xe. Kết quả là hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ.

Tạo điều kiện cho các công ty chuyển phát, bưu chính viễn thông hoạt động và lưu thông vì hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn đang lưu thông mà không có chứng từ hoặc chứng từ không giao, nhập kịp thời khiến doanh nghiệp không thể giao, nhận hàng.

Cuối công văn, VCOSA khẩn thiết mong các cơ quan xem xét, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp của VCOSA tháo gỡ khó khăn để an tâm duy trì sản xuất trong giai đoạn này.

Không được ra đường, thủ tục vẫn phải làm trực tiếp

Theo thông tin từ Báo Giao thông, công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng đã gửi công văn đến các cấp có thẩm quyền kiến nghị về việc Tập đoàn này có nhiều thủ tục hành chính vẫn phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện, nhưng nhân viên lại không được di chuyển theo quy định mới của UBND TP. HCM áp dụng từ ngày 23/8.

Theo Hoa Sen, văn phòng chính của họ đặt tại TP.HCM, có chức năng điều hành hoạt động sản xuất, cung ứng, xuất - nhập khẩu của 9 nhà máy trên cả nước.

Trong khi, các thủ tục bắt buộc phải thực hiện trực tiếp (không có thủ tục online) như: Xin cấp chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu hàng hoá (C/O) tại Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tỉnh Bình Dương; hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (tại TP.HCM và Bình Dương); Lấy Vận đơn gốc tại các hãng tàu, xuất trình bộ chứng từ thanh toán L/C tại các ngân hàng, ...

Do đó, việc di chuyển của nhân viên xuất - nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng là hết sức cấp thiết, để giải quyết các thủ tục tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Đánh giá về việc này bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: C/O xuất khẩu hiện do VCCI và Bộ Công thương cấp là bản giấy, không có cơ chế điện tử, nên doanh nghiệp bắt buộc phải đi làm thủ tục trực tiếp ở trụ sở mấy cơ quan này.

“Trường hợp nếu không được duyệt đi lại, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bà Thủy nói và cho biết đang diễn ra nghịch lý “doanh nghiệp buộc phải làm trực tuyến, trong khi nhiều cơ quan nhà nước vẫn cứ làm trực tiếp các thủ tục liên quan...”.

Theo bà Thủy, nghịch lý này đã gây ra một số tình huống điển hình như: Các cơ quan gửi thông báo giấy (các kiểu) qua bưu điện tới trụ sở doanh nghiệp, trong khi trụ sở doanh nghiệp thì đã tạm đóng, không nhận được thông tin. Điều này dẫn đến tình huống, nhiều doanh nghiệp bị "kết tội" không phản hồi, không trả lời... Sau mấy lần như thế là bị phạt.

“Chúng ta nói rất nhiều về 4.0, về chuyển đổi số, về công nghệ, về hệ thống, về app. ... Kêu gọi/yêu cầu doanh nghiệp online, thì các cơ quan cũng phải chuyển mình tương tự", bà Thủy nhận định.

Bà Thủy cho rằng, trong bối cảnh đại dịch, ít nhất phải tái cấu trúc, tổ chức lại thật tốt và linh hoạt bao gồm các quy trình thủ tục hành chính trong nước nếu muốn đạt mục tiêu kép như Chính phủ đã luôn nêu. Điều này doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị rất nhiều, mà thực tế vẫn dậm chân tại chỗ!

H.A

Xem thêm: Dấu ấn anh bộ đội Cụ Hồ giúp dân mùa dịch tại TP.HCM