Doanh nhân Trương Vạn Thành: Sự phồn vinh của đất nước một phần do sự phát triển, phồn vinh của doanh nghiệp, doanh nhân

09:30 | 13/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nhân Trương Vạn Thành là gương mặt kì cựu tại Thanh Hóa. Trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Hoa Sông Đà, ông đã tạo dựng được vị thế và thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp tại địa phương. Không chỉ là doanh nhân thành đạt, ông còn là một nhà thơ nổi tiếng, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi thú vị về kinh doanh và thi ca.

Quan điểm của ông về vị thế và trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới?

Doanh nhân Trương Vạn Thành: Doanh nghiệp là tổ chức kinh doanh được thành lập theo luật pháp nhà nước. Mục đích của nó là tìm kiếm lợi nhuận và thông qua việc tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp doanh nghiệp đem lại lợi ích cho cộng đồng: công ăn việc làm, thu nhập người lao động, thuế nộp nhà nước… Sự phồn vinh của đất nước chủ yếu do sự phát triển và phồn vinh của doanh nghiệp và doanh nhân.

Từ vị trí, vai trò quan trọng như vậy nên doanh nghiệp, doanh nhân có trách nhiệm xã hội rất to lớn:

- Trách nhiệm phát triển: phải phát triển doanh nghiệp theo định hướng đã được xác lập, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập người lao động, nộp ngân sách nhà nước và phát triển bền vững. Đó là cách tốt nhất để doanh nghiệp phát huy vai trò của mình đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.

- Trách nhiệm hoà nhập và hội nhập với môi trường xã hội: Trách nhiệm này đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn điều chỉnh kinh doanh và quản lý phù hợp với sự thay đổi của môi trường: như đổi mới công nghệ kinh doanh, công nghệ quản lý, đặc biệt hiện nay phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra sôi động trong nước và trên thế giới. Và chính điều này tạo hiệu quả và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

- Trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Đóng góp của doanh nghiệp với xã hội chỉ có ý nghĩa thực chất khi doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp thời nay phải đáp ứng yêu cầu về công khai và minh bạch trong công tác quản trị.

- Trách nhiệm xã hội khác như tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, công tác từ thiện tuỳ theo năng lực của mình…

Không chỉ là doanh nhân thành đạt, ông còn là một nhà thơ nổi tiếng, hội viên Hội nhà văn Việt Nam

Trong bối cảnh đại dịch covid-19 diễn ra phức tạp và kéo dài ông có thể chia sẻ những khó khăn vướng mắc của Công ty mình thời điểm hiện tại?

Doanh nhân Trương Vạn Thành: Có thể nói đây là giai đoạn kinh doanh cực kỳ khó khăn. Đại dịch covid-19 kéo dài đã làm gián đoạn kinh doanh, kiệt kệ thị trường Với chúng tôi là một doanh nghiệp thương mại những tháng qua: hàng hoá đắp chiếu tồn kho. Chi phí kinh doanh tăng lên mà doanh thu bán hàng không đáng kể.

Tại thời điểm này sau khi tháo bỏ giãn cách xã hội trên cả nước nhưng doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn không thể tự tháo gỡ được:

- Sức mua giảm sút nghiệm trọng, hàng hoá tồn kho cao song rất khó tiêu thụ.

- Hàng hoá tồn kho ứ đọng nói chung nhưng một số mặt hàng lại thiếu cục bộ do công tác vận tải trên phạm vi toàn quốc chưa được thông suốt, còn tồn tại nhiều thủ tục kiểm soát trên đường đi. Một số mặt hàng do nhập khẩu bị gián đoạn chưa khôi phục được.

- Công tác phòng chống covid-19 vẫn phải tiếp tục phải tuẩn thủ 5K, hạn chế tiếp xúc ảnh hưởng đến giao tiếp khách hàng, công tác thị trường.

- Tài chính doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng covid - 19 ảnh hưởng đến chương trình quảng cáo tiếp thị.

 


Doanh nhân Trương Vạn Thành từng nhiều năm đứng trên bục giảng giảng đường. Trước khi lao vào thương trường, ông có nhiều năm là giảng viên Trường nội thương Trung Ương, nay là Đại học Thương Mại Hà Nội. Sau đó, ông cũng được xem là người sáng lập và giữ cương vị Hiệu trưởng Trường thương mại du lịch Thanh Hóa. Năm 1993, ông trở thành Giám đốc Công ty CNP Thanh Hóa, nay là Công ty CP Thanh Hóa Sông Đà và gắn bó với doanh nghiệp cho đến hôm nay.

Để vừa duy trì SXKD vừa đảm bảo an toàn cho người lao động Công ty có những giải pháp gì? Thưa ông!

Doanh nhân Trương Vạn Thành: Để vừa SXKD vừa đảm bảo phòng chống covid-19 trong tình hình mới, Công ty chúng tôi đã triển khai các giải pháp:

- Đẩy mạnh công tác thị trường trong điều kiện mới, linh hoạt sáng tạo, mục tiêu là nắm vững tình hình thị trường từng mặt hàng, từng địa phương, cụ thể đến từng khách hàng (mua buôn). Từ đó đề ra phương án “tác chiến” phù hợp trong điều kiện mới.

- Thường xuyên trao đổi phối hợp các nhà sản xuất, nhà cung ứng, để công tác vận động hàng hoá được hài hoà, nhịp với nhu cầu và phù hợp với các quy định phòng chống dịch của TW và địa phương

- Quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định 5K ở mọi lúc mọi nơi, với cán bộ công nhân viên và với khách hàng.

- Thường xuyên cập nhật tình hình phòng chống dịch covid, các quy định mới của TW và địa phương để có sự thay đổi thích ứng phù hợp.

- Đảm bảo thu nhập (tiền lương - tiền thưởng) cho người lao động ở mức tốt nhất có thể. Thường xuyên quan tâm động viên và khen thưởng kịp thời.

Trước khi lao vào thương trường, doanh nhân Trương Vạn Thành có nhiều năm là giảng viên Trường nội thương Trung Ương, nay là Đại học Thương Mại Hà Nội. Sau đó, ông cũng được xem là người sáng lập và giữ cương vị Hiệu trưởng Trường thương mại du lịch Thanh Hóa

Được biết, ngoài cương vị là một doanh nhân, ông còn là một nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vậy ông có thể chia sẻ đôi chút về điều này?

Doanh nhân Trương Vạn Thành: Nhà thơ làm doanh nghiệp có cái hay là đưa được cái hoạt động kinh doanh, cái vui, cái buồn, mồ hôi, nước mắt của kinh doanh vào thơ nhưng có một nhược điểm là khi kinh doanh khó khăn, thua lỗ thì dễ …. mất hút cả thơ. Tuy nhiên, kinh doanh và thơ ca giúp tôi cân bằng cuộc sống. Thơ ca là niềm đam mê và khoảng trời riêng để trong những lúc khó khăn tôi có thể “vin câu thơ mà đứng dậy”. Đó cũng là nơi tôi có thể thỏa sức sáng tạo, tạm thời quên đi, buông bỏ những xô bồ, cạnh tranh nơi thương trường.

Là một độc giả thường xuyên của Tạp chí Doanh nhân Việt Nam ông có thể đưa ra nhận xét về thông tin mà tạp chí truyền tải?

Doanh nhân Trương Vạn Thành: Tôi cho rằng nội dung truyền tải của Tạp chí Doanh nhân Việt Nam thời gian qua rất phong phú và bổ ích. Tuy nhiên theo tôi thời gian tới cần có nhiều hơn thông tin về khởi nghiệp, doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp đi tiên phong trong cách mạng 4.0.

 

Công ty Cổ phần Thanh Hoa Sông Đà có tiền thân là Công ty công nghệ phẩm Thanh Hóa, cổ phần hóa theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Ngày 05/11/2013, cổ phiếu của Công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh: kinh doanh thương mại: bán buôn các mặt hàng đồ sứ, đồ nhôm gia dụng, cung cấp và lắp nội thất văn phòng, dịch vụ cho thuê: cho thuê showroom bán hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... Hiện nay mỗi năm Công ty đạt doanh số xấp xỉ 300 tỷ đồng, thường xuyên chi cổ tức từ 10 đến 20%/năm.