Doanh số bán bia tăng mạnh, Sabeco hoàn thành 72% mục tiêu doanh thu năm
Cụ thể, trong quý III, SAB ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.635 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn tăng 89% lên 5.941 tỷ đồng. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lần lượt 386%, 90% và 32% lên 13 tỷ đồng, 1.153 tỷ đồng và 210 tỷ đồng…. Theo đó trong kỳ, SAB ghi nhận lãi gộp 2.694 tỷ đồng, biên lãi gộp tương ứng đạt hơn 31%, tăng từ mức 26% cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.394,6 tỷ đồng, tăng 196% so với quý III/2021.
Phía Công ty trong quý III năm nay, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế được cải thiện đáng kể do so sánh với kết quả thấp của năm ngoái, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước. Cùng đó, nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng và tiếp thị cũng giúp thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, SAB cũng thúc đẩy các sáng kiến nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, SAB thu về 25.105 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, doanh thu từ bán bia đóng góp tới 88% vào tổng doanh thu, tương đương 22.129 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu bán nguyên liệu chiếm 10,7%, tương đương 2.700 tỷ đồng. Còn lại, doanh thu bán nước giải khát, rượu và cồn cùng doanh thu khác chỉ chiếm hơn 1% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Sau giảm trừ, doanh thu thuần đạt 24.949,9 tỷ đồng, tăng 43,6% so với cùng kỳ 2021. Lãi ròng sau thuế đạt 4.180,5 tỷ đồng, tăng 76,9%.
Doanh số bán bia tăng mạnh 42% lên 22.129 tỷ đồng, đóng góp lớn vào sự khởi sắc hoạt động kinh doanh của SAB trong 9 tháng năm 2022.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa diễn ra ngày 27/4, ban lãnh đạo SAB đã đặt mục tiêu doanh thu 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, tăng lần lượt tăng 32% và 17% so với năm 2021. Như vậy sau 9 tháng đầu năm, SAB đã hoàn thành 71,7% mục tiêu doanh thu và 96,6% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/9, SAB ghi nhận tổng tài sản 33.949 tỷ đồng, tăng 3.462 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) tăng lên 20.620 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng lên 1.981 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 759,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 763 tỷ đồng, xuống còn 2.843 tỷ đồng.
Cũng tính đến 30/9, SAB ghi nhận tổng nợ 8.103 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với đầu năm. Trong đó thuế phải nộp Nhà nước là 2.281 tỷ đồng, tăng mạnh từ con số 1.417 tỷ đồng vào đầu kỳ, tức tăng 61% trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận hoạt động kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ.
Vốn chủ sở hữu ghi nhận 25.845,7 tỷ đồng, tăng 14%.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của SAB cũng thể hiện rõ dòng tiền kinh doanh khởi sắc trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện. Theo đó, SAB ghi nhận dòng tiền từ kinh doanh 4.734 tỷ đồng, đến từ việc tăng mạnh lợi nhuận trước thuế. Dòng tiền đầu tư hiện âm 3.296 tỷ đồng, chủ yếu do chi mua sắm tài sản cố định 423 tỷ đồng và gửi tiền có kỳ hạn 16.655 tỷ đồng. Dòng tiền từ tài chính âm 2.201 tỷ đồng, chủ yếu do trả nợ gốc vay và chi trả cổ tức. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 763 tỷ đồng, dẫn đến tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm xuống 2.843 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 3/3, SAB đã chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2021.Tỷ lệ thực hiện 15%, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Với hơn 641 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp bia đã chi khoảng 962 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này. Cuối tháng 1 vừa qua, SAB đã tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2021 cho cổ đông tỷ lệ 20%, tương đương với mức thanh toán 1.283 tỷ đồng.