Sasco của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi ròng 35 tỷ đồng trong quý III
Cụ thể, quý III/2022, doanh thu thuần của SAS đạt 414 tỷ đồng, tăng mạnh 626% so với quý III/2021. Sau khi trừ 198,6 tỷ đồng giá vốn, lợi nhuận gộp mà SAS thu được trong quý đạt 216 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh 86% về còn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp của DHG đều tăng so với cùng kỳ, đạt lần lượt là 12,9 tỷ đồng và 55 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí bán hàng ghi nhận mức tăng vọt 310%, lên 115 tỷ đồng.
Kết quả, SAS thu về 35 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với con số khiêm tốn 2,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Công ty giải thích động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu do tình hình kinh doanh đang dần khôi phục bình thường trở lại, trong khi cùng kỳ năm trước công ty chịu tác động nặng nề từ làn sóng dịch COVID-19 bùng phát.
Lợi nhuận hoạt động tài chính quý III/2022 giảm 32,9 tỷ đồng tương đương giảm 132% so với cùng kỳ năm trước là do trong kỳ Công ty chưa nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị có vốn góp; Lợi nhuận tăng mạnh đến từ các khoản thu nhập khác từ hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi tăng so với cùng kỳ năm trước;.
Luỹ kế 9 tháng 2022, SAS đạt tổng doanh thu thuần 841,5 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 124,9 tỷ đồng và 121 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh có phần khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức lãi 9 tháng còn thấp so với hoạt động bình thường của SAS khi đại dịch.
Về tình hình tài chính, tính tới ngày 30/9/2022, tổng tài sản của SAS đạt 1.824 tỷ đồng, tăng 17,6% so với con số đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, cụ thể là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 335 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn 198 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn 267 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến ngày 30/9/2022, khoản nợ phải trả của công ty tăng 180% so với con số đầu kỳ, lên 363,9 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là khoản trả người bán ngắn hạn 246 tỷ đồng, phải trả người lao động 49 tỷ đồng, đồng thời Công ty cũng trích hơn 40 tỷ đồng vào quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn Công ty giảm mạnh 86%, từ 2,4 tỷ đồng từ cuối năm 2021 xuống chỉ còn 340,6 triệu đồng.
Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh của SAS ghi nhận dương 116,8 tỷ đồng, đến từ việc tăng mạnh lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động.
Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ đầu tư đang âm 1,7 tỷ đồng do việc tăng khoản chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác, tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền tài chính cũng ghi nhận âm 77,8 tỷ đồng do Công ty trả cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu. Tính chung trong kỳ, dòng tiền thuần dương 37 tỷ đồng.
Vừa qua, SAS thông báo ngày 22/8 chốt danh sách cổ đông. Mục đích để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế còn lại đến ngày 31/12/2021 bằng tiền. Tỷ lệ chi trả 5,67%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 567 đồng. Thời gian thanh toán là 31/8/2022. Như vậy SAS sẽ dùng khoảng 75,7 tỷ đồng chia cổ tức đợt này cho cổ đông.
Sasco là doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không với các hoạt động chính như chế biến suất ăn, kinh doanh ăn uống, hàng mỹ nghệ, hàng miễn thuế sân bay; dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không…
Hiện cơ cấu cổ đông của Sasco gồm Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam ACV (49,07%), cùng 3 cổ đông chiến lược đều là công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu.
Nếu tính cả tỉ lệ cổ phiếu cá nhân, tổng tỷ lệ sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn tại Sasco là hơn 47%.
Với tham vọng góp phần phát triển ngành logistics Việt Nam, mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, vận chuyển hàng hóa chuyên biệt bằng đường hàng không. Sau khi xét các yếu tố thị trường, điều kiện thành lập, đặc biệt liên quan tới quốc tịch của các cổ đông góp vốn… Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này được cấp giấy phép kinh doanh cho Hãng hàng không IPP Air Cargo.
"Khi đi vào vận hành, IPP Air Cargo sẽ tạo ra một nguồn thu hút ngoại tệ cho đất nước. Đặc biệt, với điểm đến là các trung tâm (hub) trên thế giới, hãng góp phần tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.