Đối diện nhiều hơn với vụ kiện PVTM: Chủ động của doanh nghiệp là tiên quyết

09:38 | 19/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia nhấn mạnh, trước áp lực từ các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) thì sự chủ động của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định để đối mặt và đứng vững trên thị trường.

DN  đang phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện

 

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, bên cạnh những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như ưu đãi về mặt thuế quan, DN  đang phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) .

 

 Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp thì xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng.

 

 Đối diện nhiều hơn với vụ kiện PVTM: Chủ động của doanh nghiệp là tiên quyết - ảnh 1

Thép là một trong những ngành hàng bị nhiều nước áp dụng biện pháp tự vệ

Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho phép các thành viên sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế, các ngành sản xuất trong quá trình tự do hóa. Do đó, việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA

Theo thống kê của WTO, các biện pháp PVTM đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ đô la Mỹ kim ngạch thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập ngày sâu, rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng thì các vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của ta cũng tăng cả về số lượng và quy mô. Tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của ta đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ đô la Mỹ. Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Trong cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc).

 

Đa số hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,... Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-na-đa và Úc. Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc PVTM  với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM  với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).

 

Các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng, nếu như giai đoạn 2005-2010 mới chỉ có 21 vụ việc thì đến giai đoạn 2016 tới tháng 11/2020 đã có 99 vụ liên quan đến PVTM .

 

Đáng lưu ý, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp PVTM .

 

Theo lý giải của giới chuyên gia, nguyên nhân chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM  nhằm vào hàng xuất khẩu Việt Nam là do xuất khẩu tăng nhanh với tác động tích cực từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như việc tham gia vào các FTA.

 

Hơn nữa, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại những quốc gia này đề nghị nhà chức trách nước sở tại điều tra áp dụng các biện pháp PVTM .

 

DN  thua thiệt bởi bị động, thiếu thông tin, thiếu nguồn nhân lực

 

Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy, trước các rào cản thương mại, DN  Việt dường như bị động, thiếu thông tin, thậm chí thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm về PVTM  dẫn đến bị thua thiệt.

Báo Chính phủ điện tử dẫn lời của lãnh đạo bộ, ban, ngành cùng đại diện cho cộng đồng DN  để làm rõ sự thua thiệt của DN  do bị động.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các DN  Việt Nam đã chú ý nhiều hơn tới các biện pháp PVTM , cả trong lĩnh vực khởi kiện và kháng kiện.

“Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là trong khi các DN  lớn, đặc biệt là DN  có vốn đầu tư nước ngoài nhận thức rất tốt về PVTM  thì các DN  vừa và nhỏ lại chưa chú ý đúng mức tới công cụ được coi là ‘van an toàn’ của dòng chảy hội nhập”, Bộ trưởng nhận định.

 

PVTM 2

 PVTM  là để bảo vệ cho một ngành sản xuất chứ không phải một DN  hay nhóm DN cụ thể

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, biện pháp PVTM  là để bảo vệ cho một ngành sản xuất chứ không phải một DN  hay nhóm DN cụ thể. Do vậy, cơ quan điều tra cần có đầy đủ thông tin từ tất cả các thành phần liên quan trong ngành sản xuất đó, từ các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất hạ nguồn và cả người tiêu dùng cuối cùng để có thể đưa ra quyết định khách quan và chính xác về vụ việc.

 

Trong một số vụ việc Việt Nam đã điều tra, có hiện tượng một số DN  liên quan không hợp tác đầy đủ trong việc cung cấp thông tin hoặc chỉ “kêu cứu” sau khi cơ quan quản lý Nhà nước đã kết thúc quá trình điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng.

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại phức tạp, trong khi DN  Việt Nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài...

 

Cục PVTM  cho biết, hiện nay tại các vụ kiện PVTM  chỉ có sự góp mặt của các DN  lớn mà thiếu vắng sự tham gia của những DN  nhỏ và DN  sản xuất tại các lĩnh vực dễ tổn thương. Vì thế, trước bối cảnh Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới thì điều này đã tạo ra những rào cản không nhỏ trong lĩnh vực phòng vệ để bảo vệ chính mình.

 

Một trong những quy định bắt buộc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam là các tổ chức, cá nhân đứng đơn yêu cầu áp dụng biện pháp PVTM  phải đáp ứng yêu cầu “đại diện” cho ngành sản xuất trong nước, tức là phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của ngành.

 

Đây cũng là yếu tố mà các DN  nhỏ gặp khó khăn hơn các DN  lớn. Hạn chế về tính đại diện và nguồn lực là hai nguyên nhân căn bản dẫn tới việc trong thời gian vừa qua nguyên đơn của các vụ kiện thường là các DN  lớn.

 

Cần xem xét PVTM  là một chiến lược kinh doanh dài hạn

 

Để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện PVTM  cũng như áp dụng các công cụ PVTM  nhằm bảo vệ chính mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Trong cả khởi kiện và kháng kiện, DN  cần xem xét PVTM  là một chiến lược kinh doanh dài hạn.

 

Đối với khởi kiện, DN  cần theo dõi sát sao tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về PVTM  để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước. Cùng với đó, tìm hiểu quy trình thủ tục để có thể tham vấn, sử dụng ngay biện pháp phù hợp khi có hiện tượng hàng hóa nước ngoài gây sức ép cạnh tranh không công bằng.

 

Với kháng kiện, các DN  sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

Cùng với đó, các DN  cần thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu. Từ đó, có thể hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

 

Dưới góc độ DN , ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, để khắc phục những khó khăn của các biện pháp bảo hộ, Tôn Đông Á đã tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao. Công nghệ tốt sẽ giúp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thép Việt Nam thuận lợi và tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế. Đồng thời, hạn chế việc áp dụng các biện pháp PVTM  từ các nước.

 

Hơn lúc nào hết, DN  cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng. Đặc biệt, DN  phải có bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.

 

Như vậy, trước các vụ kiện phòng vệ thương mại: Chủ động là yếu tố quyết định DN đứng vững. Các biện pháp đối phó với PVTM  được chuẩn bị chủ động sẽ khiến DN  lớn mạnh hơn. Các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài DN  nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn. Vì thế, DN  nên thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả.

 

Minh Hoa

 

Xem thêmDoanh nghiệp Việt Nam dễ bị “bắt nạt” vì hạn chế phòng vệ thương mại