'Đói' đơn hàng, May 10 báo lãi ròng quý II giảm 19%

Thùy Dương 14:11 | 27/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 27/7, Tổng Công ty May 10 - CTCP (UPCoM: M10) có báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với lợi nhuận chỉ hơn 22 tỷ đồng, giảm 19% cùng kỳ năm ngoái.

Lãi ròng quý II giảm 19%, TGĐ May 10 cảnh báo lượng đơn hàng tháng 9-10 sẽ giảm sút

Theo đó, trong quý II/2023, công ty đạt doanh thu thuần khoảng 1.018 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ (svck) 2022. May 10 cho biết doanh thu giảm do tình hình thị trường khó khăn, đơn hàng thiếu hụt, nhỏ lẻ, thời gian giao hàng ngắn, các đơn hàng truyền thống giảm về cả số lượng và giá trị. 

Doanh thu tài chính quý II đạt 24,8 tỷ đồng, tăng 48,5% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm trong kỳ lần lượt 16,3%, 1% và 5,7% svck; trong quý II, lãi ròng của May 10 vẫn ghi nhận giảm 19% svck, chỉ đạt 22,15 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của May 10 đạt 1.900 tỷ đồng và lãi ròng 45,4 tỷ đồng, đều giảm 9% svck. Lãi trước thuế đạt gần 55 tỷ đồng.  

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 27% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, qua 6 tháng, May 10 đã thực hiện được một nửa mục tiêu lợi nhuận và hơn 45% mục tiêu doanh thu.

Trước đó, ngày 25/7, tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Theo đó, ngành dệt may đã trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới đạt 14,35 tỷ USD (dệt may 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%; xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27%; vải mành, vải kỹ thuật khác giảm 20,7% so với cùng kỳ). Còn số liệu mới nhất đến ngày 15/6 được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu dệt may đến giữa tháng 6 giảm 15,3%, tương đương giảm gần 2,5 tỷ USD về con số tuyệt đối, đạt 14,12 tỷ USD.

"Là doanh nghiệp dệt may lớn trong nước, nhưng Tổng công ty May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, với những nỗ lực, quyết tâm của toàn thể ban lãnh đạo, bằng một loạt biện pháp, đến nay, hơn 12 nghìn người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc một ngày nào, đây được coi là thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung.

Cụ thể đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn từ 20-30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022, là năm thế giới mới bước ra từ đại dịch nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng đáng kể, lên đến 30%", Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng dự đoán tháng 9, 10 sẽ là thời gian thấp điểm, đơn hàng bị giảm sút bởi tính đặc thù mùa vụ.

Tính tới ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của May 10 đạt gần 1.775 tỷ đồng, gần như đi ngang so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt giảm còn 126 tỷ đồng. Bên cạnh khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng hơn 120 tỷ đồng, lên 254 tỷ đồng.

Hàng tồn kho đạt 822 tỷ đồng, giảm nhẹ 7 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó trích lập dự phòng 6,5 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn đạt hơn 1.652 tỷ đồng, chủ yếu là 2 khoản phải trả người bán ngắn hạn (hơn 664 tỷ đồng) và vay nợ thuê tài chính ngắn hạn (hơn 541 tỷ đồng).

Ở một diễn biến khác, ngày 25/7 mới đây, công ty có báo cáo sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 1.800 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/5.

Với hơn 30,2 triệu cp đang lưu hành, ước tính May 10 cần chi hơn 54,4 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thực hiện là 9/6. Năm 2022, công ty đạt lãi ròng gần 124 tỷ đồng.