Đóng 150 cửa hàng trong 2 tháng, doanh thu tháng 11 của Thế giới di động giảm sâu
Chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đóng góp hơn 74% tổng doanh thu
Trong đó, tổng doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX) đạt hơn 6.500 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với tháng trước. “Điều này chủ yếu do nhu cầu iPhone hạ nhiệt sau đợt cao điểm ra mắt sản phẩm mới. Ngoài ra, đây cũng là mùa thấp điểm đối với ngành hàng điện máy”, MWG chia sẻ.
Trong khi đó, chuỗi Bách hóa xanh (BHX) ghi nhận doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ nhưng giảm nhẹ 2% so với tháng liền trước. Như vậy, doanh số bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,75 tỷ đồng trong tháng 11.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, cả tập đoàn MWG đạt doanh thu gần 108.000 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đơn vị này đã thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu cả năm.
Trong đó, chuỗi TGDĐ và ĐMX đóng góp khoảng 76.700 tỷ đồng, chiếm hơn 74% tổng doanh thu và giảm 21% so với cùng kỳ. Còn chuỗi BHX đóng góp 28.400 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng doanh thu và tăng 16% so với cùng kỳ. Hoạt động bán hàng online cũng giảm sút 12%.
Nằm trong chiến lược tinh gọn vận hành, MWG đã đóng gần 150 cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh/Topzone trong tháng 10 và tháng 11. Dự kiến, Công ty sẽ tiếp tục đóng một số cửa hàng kém hiệu quả trong tháng 12 để ổn định hoạt động, chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm đợt Tết Nguyên đán 2024.
Trong khi đó, các chuỗi Bách Hóa Xanh, An Khang và AVA Kids đã hoàn tất việc rà soát đóng cửa hàng trong tháng 11 và sẽ duy trì ổn định kể từ tháng 12.
“Các chi phí liên quan tới đóng cửa hàng trong quý cuối năm nay sẽ được phản ánh đầy đủ trong kết quả của năm 2023 và không ảnh hưởng tới năm sau”, MWG cho biết.
Chuỗi bách hóa sẽ là động lực tăng trưởng chính trong dài hạn
Trong phân tích doanh nghiệp công bố mới đây, Chứng khoán SSI Research nhận định bất chấp việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, MWG vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu cho BHX nhờ cơ cấu sản phẩm hợp lý hơn giúp thu hút số lượt khách hàng mới tới mua sắm.
Sau khi thu hút được khách hàng mới trong năm 2023 (phản ánh số lượt khách hàng mới tới mua sắm), MWG sẽ tiếp tục sử dụng dữ liệu từ ứng dụng khách hàng thân thiết để điều chỉnh danh mục sản phẩm (thêm FMCG khô) và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi bán chéo để tăng giá trị giỏ hàng, từ đó tăng thêm doanh thu/cửa hàng trong năm 2024.
SSI Research ước tính doanh thu 2023-2024 lên lần lượt đạt 31.100 tỷ đồng (tăng 15%) và 37.400 tỷ đồng (tăng 20%) mặc dù số lượng cửa hàng mở mới giảm (từ 300 cửa hàng xuống còn 100 cửa hàng) trong năm 2024 do việc tăng vốn chưa có tiến triển. Số lượng cửa hàng cuối năm 2023 có thể đạt 1.706 và tăng 100 cửa hàng lên 1.806 vào năm 2024.
Với chuỗi nhà thuốc (An Khang), công ty chứng khoán phân tích ngành bán lẻ dược phẩm trong nước vẫn có tiềm năng lớn trong tương lai gần, khi các nhà thuốc thương mại hiện đại (hiện chiếm <10% thị trường) có thể có cơ hội giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ (~50% của thị trường) và các hiệu thuốc ở bệnh viện (~40% thị trường, theo dữ liệu IQVIA tính đến cuối quý III/2023). Tuy nhiên, MWG có thể cần thêm thời gian để tích lũy kiến thức chuyên môn trong ngành và tạo lại lợi nhuận.
Còn với chuỗi ICT & CE (ĐMX, TGDĐ, Topzone), SSI Research cho lợi nhuận mảng này có thể đã tạo đáy trong qusý II, khi MWG phải đối mặt với tác động kép về những khó khăn kinh tế vĩ mô yếu và chiến tranh giá cả. Tốc độ phục hồi biên lợi nhuận có thể không đáng kể, do mức tồn kho cao của các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm, MWG đặt mục tiêu thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận gộp hơn là chú trọng vào biên lợi nhuận.
Bất chấp việc giành thêm được thị phần, công ty dự kiến doanh thu sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng một con số trong năm 2024 do thị trường bão hòa, nhu cầu tiêu dùng yếu và số lượng mở cửa hàng mới không đáng kể.