Nhờ đâu Thế giới Di động báo lãi quý III gấp 21 lần cùng kỳ?
Vượt 20% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, MWG ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 34.147 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ròng gần 806 tỷ đồng, cao gấp gần 21 lần so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, đóng góp vào lợi nhuận chung có 90 tỷ đồng của Bách hóa Xanh, đánh dấu 2 quý chuỗi cửa hàng này sinh lời liên tiếp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, MWG ghi nhận tổng doanh thu thuần gần 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 2.881 tỷ, gấp hơn 37 lần so với nền thấp cùng kỳ 2023.
Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành gần 80% kế hoạch doanh thu và vượt 20% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm đề ra.
Theo giải trình, công ty cho biết lãi ròng 9 tháng tăng trưởng mạnh do doanh thu tăng, lãi gộp tăng và việc tối ưu chi phí theo chiến lược tái cấu trúc đã đề ra từ đầu năm.
Cụ thể, với chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, dù vận hành số cửa hàng ít hơn 12% so với cùng kỳ, công ty vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu 7%. MWG thông tin tăng trưởng hai chuỗi này đến từ hầu hết các ngành hàng chính như điện thoại và điện máy nhờ lợi thế về danh mục hàng hóa, các chương trình khuyến mãi và giải pháp hỗ trợ tài chính nhờ mở rộng thị phần trong năm 2023, bên cạnh lợi nhuận gộp cải thiện và tối ưu chi phí vận hành cửa hàng.
Với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, doanh thu tăng trưởng gần 36% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ nỗ lực tăng doanh thu cửa hàng cũ. Chuỗi tập trung đẩy mạnh sản lượng bán thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh, bên cạnh việc tối ưu chi phí như chi phí vận hành cửa hàng, chi phí kho vận... để duy trì lợi nhuận.
Lãi hơn 410 tỷ đồng trong 9 tháng nhờ đầu tư trái phiếu
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/9/2024, quy mô tài sản của MWG đạt 66.900 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất nằm ở tiền, tiền gửi ngân hàng cùng đầu tư trái phiếu,... với 32.016 tỷ đồng. Dư nợ cuối kỳ là 23.968 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Tổng chi phí lãi vay 9 tháng hơn 800 tỷ đồng, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với khoản lãi thu về từ tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu (1.574 tỷ đồng).
Hàng tồn kho chiếm tới 33% tổng tài sản của MWG, chiếm phần lớn là các thiết bị điện tử, điện thoại di động, thiết bị gia dụng,... Doanh nghiệp đã phải trích gần 360 tỷ cho dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Trong cuộc họp với chuyên viên phân tích của Chứng khoán SSIResearch hồi cuối tháng 8, Ban lãnh đạo MWG kỳ vọng nhu cầu điện thoại điện máy sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025 nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế và một số yếu tố thúc đẩy (như người tiêu dùng phải đổi từ điện thoại 2G sang điện thoại 4G trước tháng 9, chu kỳ thay thế điện thoại di động sẽ bắt đầu lại vào năm 2025).
SSI Research đánh giá, với vị thế của công ty ở thời điểm hiện tại (chiếm 60% thị phần điện thoại di động và 50% thị phần điện tử tiêu dùng), MWG sẽ có quyền thương lượng cao hơn khi đàm phán với các nhà cung cấp. Cùng với cơ cấu sản phẩm tốt hơn (doanh thu hàng điện tử tiêu dùng cao hơn và doanh thu sản phẩm Apple thấp hơn), giải thích cho biên lợi nhuận của MWG phục hồi nhanh hơn so với đối thủ là FPT Shop.
"Chúng tôi duy trì ước tính lợi nhuận năm 2024-2025 lần lượt là 4.300 tỷ đồng (+26 svck) và 6.000 tỷ đồng (+39% svck). Trong khi các nhà đầu tư tập trung vào doanh thu/cửa hàng của Bách Hoá Xanh trong thời gian gần đây, thì hiện tại, chúng tôi cho rằng sự chú ý có thể được chuyển sang tốc độ mở mới cửa hàng và tốc độ cải thiện biên lợi nhuận của Bách Hoá Xanh. Mặc dù tốc độ mở mới cửa hàng có thể vẫn còn chậm, nhưng chúng tôi đánh giá cao các chiến lược mà ban lãnh đạo MWG thực hiện để tối ưu hóa chi phí, nhờ đó nâng cao biên lợi nhuận cho Bách Hoá Xanh trong bối cảnh doanh thu/cửa hàng đã đạt mức tối ưu", SSI Research nhận định.