Quyết định trái chiều của Dragon Capital tại Thế giới Di động và FPT Retail

Thu Thảo 13:20 | 05/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dragon Capital giao dịch trái chiều tại hai cổ phiếu bán lẻ hàng đầu thị trường khi bán bớt MWG ở vùng đáy 3 năm và mua thêm FRT ở vùng đỉnh lịch sử.

Trong báo cáo mới đây nhất, nhóm quỹ Dragon Capital cho biết đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu MWG trong phiên 1/11. Sau giao dịch, nhóm quỹ này giảm số cổ phần sở hữu còn hơn 101 triệu đơn vị, tương ứng 6,9085% vốn của Đầu tư Thế giới Di động.

Giao dịch gần đây nhất, nhóm Dragon Capital bán 979.600 cổ phiếu MWG vào ngày 3/4/2023, giảm lượng cổ phần nắm giữ còn hơn 116,2 triệu đơn vị, tương ứng 7,94% vốn.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 4/4 đến 1/11, nhóm cổ đông thuộc nhà quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam đã bán ra gần 15,2 triệu cổ phiếu MWG.

Một diễn biến liên quan khác, cổ nhóm cổ đông lớn của Dragon Capital là Arisaig Partners (Singapore) cũng đẩy mạnh thoái vốn tại tại Thế giới Di động. Giao dịch công bố gần đây nhất của nhóm này vào ngày 28/8 khi bán ra hơn 2,1 triệu cổ phần, đưa tỷ lệ sở hữu xuống còn 5,88%.

Quyết định thoái vốn tại Thế giới Di động được Dragon Capital đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu MWG diễn biến trái chiều giai đoạn vừa qua. Cùng với xu hướng hồi phục của thị trường, cổ phiếu của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam tăng từ quanh 38.000 đồng/cp trong tháng 4 lên mức đỉnh gần 60.000 đồng/cp trong tháng 9. Mức giá trên đã điều chỉnh cổ tức tiền mặt 500 đồng/cp chia trong tháng 6.

Sau đó, áp lực bán gia tăng từ khối ngoại cộng với thị trường điều chỉnh khiến cổ phiếu MWG đảo chiều giảm trở lại nền giá như thời điểm Dragon Capital hạ sở hữu xuống dưới 8% đầu tháng 4. Đây là nền giá thấp nhất của MWG ghi nhận từ đầu năm 2021. Nếu so với vùng đỉnh lịch sử thiết lập đầu quý II năm ngoái, cổ phiếu bán lẻ này đã mất một nửa giá trị.

Trong phiên Dragon Capital giao dịch làm giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 7% (1/11), cổ phiếu MWG có phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp và khối ngoại bán ròng hơn 5,3 triệu đơn vị. Phiên sau đó, nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng kỷ lục với hơn 8 triệu đơn vị. Đây có thể là giao dịch của nhóm Dragon Capital, Arisaig Partners bởi cả hai nhóm quỹ này đều nằm trong ngưỡng không yêu cầu công bố thông tin, hoặc cũng có thể đến từ một tổ chức nước ngoài khác.

Cập nhật đến ngày (3/11), tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Đầu tư Thế giới Di động là 46,76%. Hiện tượng hở “room” ngoại hiếm có trong lịch sử nhưng đã kéo dài những tháng gần đây. Việc hạn chế về room dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phiếu MWG phải chấp nhận giao dịch ngoài sàn với mức giá cao hơn 45% giá trên sàn vào năm 2020.

Bối cảnh cổ phiếu mất giá nhanh, nhà sáng lập Nguyễn Đức Tài đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu MWG, tương đương khối lượng ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT bán ra trong tháng 9. Lệnh mua gần đây nhất được ông Tài thực hiện vào tháng 11 – 12/2022.

Diễn biến giá một số cổ phiếu bán lẻ kể từ đầu năm 2023. Nguồn: TradingView.

Đối lập với quyết định thoái vốn khỏi Thế giới Di động khi cổ phiếu ở vùng đáy 3 năm, nhóm Dragon Capital liên tục mua gia tăng cổ phần tại đơn vị đổi thủ là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT). Báo cáo mới đây nhất, quỹ thành viên CTBC Vietnam Equity Fund (Đài Loan) mua gia tăng cổ phần, trở thành cổ đông lớn của FPT Retail. Chính quỹ Đài Loan này bán ra 1,5 triệu cổ phiếu MWG trong giao dịch ngày 1/11 nêu trên. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại nhà bán lẻ thuộc FPT là hơn 10%.

Ước tính từ ngày 26/9 đến 26/10, nhóm Dragon Capital đã mua thêm 1,347 triệu cp FRT. Hiện cổ phiếu FRT giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử, tiệm cận ngưỡng 100.000 đồng/cp.

Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 49,5 triệu cp, tương đương 36,37% vốn điều lệ của FPT Retail. Dragon Capital là cổ đông lớn nước ngoài duy nhất tại công ty. Đầu năm 2021, hai tổ chức ngoại đồng hành từ khi chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu niêm yết - Dragon Capital và VinaCapital liên tục bán ra và không còn là cổ đông lớn. Tuy nhiên, sở hữu của nhóm Dragon Capital gia tăng mạnh sau đó thông qua quỹ mới là CTBC Vietnam Equity Fund.

 

 

Lợi nhuận trước thuế của Đầu tư Thế giới Di động và FPT Retail qua các quý. Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Dragon Capital đã đưa ra quyết định khi kết quả kinh doanh của Đầu tư Thế giới Di động và FPT Retail đều kém sắc một năm trở lại đây. Sức mua của nền kinh tế yếu, cạnh tranh gay gắt về giá khi bán lẻ điện thoại, hệ quả là hai công ty báo cáo lợi nhuận sụt giảm sâu trong ba quý đầu năm 2023.

Sau 9 tháng kinh doanh, Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận 86.858 tỷ doanh thu thuần, lãi trước thuế 471 tỷ đồng; giảm lần lượt 16% và gần 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Với FPT Retail, doanh thu thuần có phần khởi sắc hơn khi đạt 23.160 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Nhưng nhà bán lẻ này lỗ trước thuế gần 197 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 369 tỷ đồng.

Nói thêm, mặc dù có động thái giao dịch trái chiều tại hai cổ phiếu bán lẻ, nhưng về tổng quan MWG vẫn là cổ phiếu có khẩu vị ưa thích hơn với Dragon Capital nhờ lợi thế vốn hóa. Ước tính số cổ phần MWG do Dragon Capital nắm giữ có giá trị trường gần 3.940 tỷ đồng gấp 3 lần số tiền đầu tư vào FPT Retail (1.308 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, một quỹ ETF do Quản lý quỹ Dragon Capital quản lý là DCVFMVN Diamond ETF cũng đang rót vốn hơn 2.000 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG.