Dòng chảy lương thực 'tắc đường' vì xung đột Ukraine: Gánh nặng tăng trên vai người nghèo đói

Lê Thị Xuân Phương 15:38 | 20/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể đối mặt với khủng hoảng lương thực hoặc mức độ đói nghèo nặng nề hơn trong năm nay.

Xung đột ở Ukraine đang làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, nơi được mệnh danh là “giỏ bánh mì của thế giới”, góp phần khiến cho giá thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn trên toàn cầu, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và bất ổn chính trị ở một số nước đang phát triển.

Nguồn cung lúa mì của thế giới bị gián đoạn

Nga và Ukraine xuất khẩu gần 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch của thế giới, hơn 70% lượng dầu hướng dương và là nhà cung cấp ngô lớn. Nga cũng là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.

Giá lương thực thế giới vốn đã leo thang, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi xung đột bùng nổ và ngăn chặn 20 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine đến Trung Đông, Bắc Phi cũng như một số khu vực của châu Á.

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, theo FAO, giá lúa mì toàn cầu đã tăng 45% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu thực vật tăng 41%, trong khi giá đường, thịt, sữa và cá cũng tăng hai con số. Sự tăng giá lương thực đang thúc đẩy lạm phát nhanh hơn trên toàn thế giới, đà tăng lan từ giá sản xuất khi nguyên nhiên liệu đầu vào đều tăng giá, và sau đó dần tác động đến giá tiêu dùng.

Một số quốc gia đã phản ứng bằng các lệnh cấm xuất khẩu lương thực để bảo vệ nguồn cung trong nước. Đơn cử, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đường và lúa mì; Malaysia ngừng xuất khẩu gà nguyên con - điều có nguy cơ đe dọa nguồn cung gà ở Singapore, quốc gia nhập khẩu 1/3 gia cầm từ nước láng giềng.

Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết nếu xung đột ở Ukraine kéo dài, tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng có thể đẩy giá cả lên cao hơn nữa.

Một mối đe dọa khác là nguồn cung phân bón ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Điều này làm cho các cánh đồng có thể kém năng suất hơn khi người nông dân không mạnh tay chi mua phân bón.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng là một nguyên nhân đẩy giá lương thực lên cao. Thông thường, 90% lúa mì và các loại ngũ cốc khác từ các cánh đồng của Ukraine được vận chuyển đến các thị trường thế giới bằng đường biển nhưng hiện con đường này gần như rơi vào tình trạn đóng băng do xung đột.

Một số loại ngũ cốc đang được định tuyến lại, vận chuyển qua châu Âu bằng đường sắt, đường bộ và đường sông, nhưng số lượng này giảm đáng kể so với các tuyến đường biển. Các chuyến hàng cũng phải quay đầu vì khổ đường sắt của Ukraine không khớp với khổ đường sắt của các nước láng giềng ở phía Tây.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine, Markian Dmytrasevych, đã yêu cầu các nhà lập pháp Liên minh châu Âu hỗ trợ việc xuất khẩu ngũ cốc, bao gồm việc mở rộng sử dụng một cảng Romania trên Biển Đen, xây dựng thêm các bến hàng hóa trên sông Danube và chấp thuận cho hàng hóa qua biên giới Ba Lan.

“Bây giờ hàng hóa phải đi khắp châu Âu để quay trở lại Địa Trung Hải. Điều đó làm tăng một lượng chi phí đáng kể cho ngũ cốc Ukraine", ông Joseph Glauber, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington nói. 

Dmytrasevych cho biết khả năng dự trữ ngũ cốc của Ukraine đã giảm khoảng 15 triệu tấn, xuống còn 60 triệu tấn sau khi xung đột làm phá hủy các hầm chứa.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho biết, sản lượng lúa mì, gạo và các loại ngũ cốc khác trên thế giới dự kiến ​​đạt 2,78 tỷ tấn vào năm 2022, giảm 16 triệu tấn so với năm trước - mức giảm đầu tiên trong 4 năm.

Theo ông Glauber, người từng là nhà kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraine hiện chỉ có thể xuất khẩu 1,5 triệu đến 2 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, giảm so với mức hơn 6 triệu tấn trước đại dịch.

Trong khi đó, các quan chức Nga nói rằng các lệnh trừng phạt của phía Phương Tây chưa được dỡ bỏ là nguyên nhân khiến Nga chưa thể đưa ngũ cốc ra thị trường toàn cầu. Moscow lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành ngân hàng và vận tải biển của nước này khiến Nga không thể xuất khẩu thực phẩm và phân bón.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các nhà lãnh đạo phương Tây khác lại cho rằng các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến mặt hàng thực phẩm.

Trước xung đột, giá lương thực toàn cầu đã nhảy vọt do các yếu tố thời tiết xấu, nguồn cung hạn chế khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Hạn hán khiến vụ thu hoạch lúa mì năm ngoái ở Mỹ và Canada cũng như sản lượng đậu tương ở Brazil sụt giảm. Biến đổi khí hậu cũng khiến vùng Sừng Châu Phi đối mặt với một trong những đợt hạn hán kỷ lục trong bốn thập kỷ. Trong khi đó, hạn hán ở Ấn Độ vào tháng 3 cũng gay gắt không kém tác động tiêu cực đến sản lượng lúa mì của nước này.

Có thể thấy, hạn hán cùng với chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao cũng ngăn cản các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn khác lấp đầy khoảng trống do xung đột Nga  - Ukraine tạo ra. 

Nguy cơ đói nghèo trầm trọng với một số nước đang phát triển

Sau chuyến thăm Somalia gần đây, chuyên gia Justus Liku, cố vấn an ninh lương thực của nhóm viện trợ CARE cho hay giá lúa mì ở một số nước đã tăng tới 750%. "Mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. Tại một cửa hàng, thực phẩm nấu chín được bán mà không có rau, thịt hay sữa", Justus Liku nói.

Các cuộc đàm phán nhiều tuần về hành lang an toàn để đưa ngũ cốc Ukraine ra khỏi các cảng biển ở Biển Đen của Ukraine không mấy tiến triển, trong khi mùa thu hoạch hè đang đến càng khiến tình thế trở nên cấp bách. 

Anna Nagurney, nhà nghiên cứu quản lý khủng hoảng tại Đại học Massachusetts Amherst, thành viên hội đồng quản trị của Trường Kinh tế Kyiv, cho biết: “Điều này cần phải được thúc đẩy trong vài tháng tới, nếu không hậu quả sẽ rất khủng khiếp”. Vụ chuyên gia nói rằng khoảng 400 triệu người trên thế giới dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm của Ukraine.

Nhận định tương tự, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể đối mặt với khủng hoảng lương thực hoặc mức độ đói nặng nề hơn trong năm nay.

Ukraine và Nga chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất. Các quốc gia như Somalia, Libya, Lebanon, Ai Cập và Sudan phụ thuộc nhiều vào lúa mì, ngô và dầu hướng dương từ hai quốc gia này.

Chuyên gia Glauber nói: “Gánh nặng đang đè nặng lên vai những người nghèo. Không bàn cãi gì nữa, đó là một cuộc khủng hoảng nhân đạo".

Bên cạnh nguy cơ đói kém, giá lương thực tăng cao có khả năng gây bất ổn chính trị ở các nước như vậy. Ông Glauber nhận định một quốc gia tương đối thịnh vượng như Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, có thể đủ khả năng chịu chi phí lương thực cao hơn. Nhưng các quốc gia nghèo như Yemen hoặc các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi thực sự cần viện trợ nhân đạo. 

Nạn đói đang rình rập một số nước đang phát triển. Giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì và dầu ăn tăng hơn gấp đôi, trong khi hàng triệu gia súc mà các gia đình sử dụng để lấy sữa và thịt đã chết. 

UNICEF đã cảnh báo về một "sự bùng nổ nguy cơ chết chóc ở trẻ em" nếu thế giới không hành động. Các cơ quan của Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 200.000 người ở Somalia phải đối mặt với “nạn đói thảm khốc”, khoảng 18 triệu người Sudan có thể trải qua nạn đói nghiêm trọng vào tháng 9 và 19 triệu người Yemen đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong năm nay.

Trong nhiều tuần, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận mở lại xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga cũng như cho phép Ukraine vận chuyển hàng hóa từ cảng quan trọng của Odesa. Nhưng tiến độ của việc này diễn ra rất chậm.

Trong khi đó, một lượng lớn ngũ cốc đang bị mắc kẹt trong các hầm chứa của Ukraine hoặc trong các trang trại. Chưa kể, vụ thu hoạch lúa mì của Ukraine sắp được tiến hành được dự báo sẽ gây thêm căng thẳng cho các cơ sở lưu trữ. Cùng với đó, nhiều cách đồng khác không thể thu hoạch bởi những mối nguy từ xung đột đe dọa sự an toàn của người nông dân.

Serhiy Hrebtsov không thể bán núi ngũ cốc tại trang trại của mình ở vùng Donbas vì đường vận chuyển đã bị cắt. Người mua khan hiếm đồng nghĩa với việc phải bán giá quá thấp. “Có một số lựa chọn để bán, nhưng nó giống như vứt đi vậy,” ông nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông đang làm việc với các đối tác châu Âu về kế hoạch xây dựng các hầm chứa tạm thời ở biên giới Ukraine, bao gồm cả với Ba Lan, cùng với một giải pháp để xử lý vấn đề khổ đường sắt không giống nhau giữa Ukraine và châu Âu. 

Ông Biden trong một bài phát biểu hôm 14/6, đề xuất ngũ cốc có thể được chuyển vào các silo, và sau đó trung chuyển bằng ô tô ở châu Âu đưa ra cảng biển rồi phân bố đi khắp thế giới.