Đồng Nai: Ngang nhiên "tẩy date" hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng

18:17 | 10/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hơn 2000 sản phẩm mỹ phẩm các loại đã bị Công ty Nhất Phan tẩy xóa, sửa chữa date nhằm kéo dài thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, công ty này còn kinh doanh mỹ phẩm quá hạn dùng với số lượng 13.959 sản phẩm các loại
Ở nước ta tình trạng vi phạm về nhãn mác, thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa còn khá phổ biến, diễn ra tràn lan. Theo nguyên tắc, tất cả hàng hóa khi hết hạn sử dụng thì phải tiêu hủy, chỉ một số ít trường hợp có thể tái chế để sử dụng, tận dụng nhưng cũng phải theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt.
 
Các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là mỹ phẩm đều quy định về thời hạn sử dụng rất rõ ràng, cụ thể và cần phải thu hồi, tiêu hủy khi hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, việc tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng là rất hiếm, ít cơ sở, cửa hàng buôn bán nào tự giác tiêu hủy. Vậy vấn đề đặt ra là số hàng hóa, sản phẩm đã hết hạn sử dụng đó đi đâu? Thực tế hiện nay, một số nhà phân phối, bán lẻ vẫn lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ, thậm chí có doanh nghiệp ngang nhiên tẩy xóa sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa là mỹ phẩm. Minh chứng điều này là cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra các hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn được công khai bày bán.
 
Đồng Nai: Ngang nhiên tẩy date hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng - ảnh 1
Một lượng lớn mĩ phẩm đã hết hạn bị Công ty TNHH MTV Nhất Phan tẩy xóa sửa chữa hạn sử dụng bị lực lượng chức năng phát hiện
 
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Nhất Phan (địa chỉ cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) vì đã có các hành vi vi phạm hành chính, gồm: tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa là mỹ phẩm với số lượng 2.066 sản phẩm các loại tại biên bản tạm giữ số 00076201/BB-TGTV ngày 28-1-2021 của Đội Quản lý thị trường số 1. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 106,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty này còn kinh doanh mỹ phẩm quá hạn dùng với số lượng 13.959 sản phẩm mỹ phẩm các loại.
 
Đồng Nai: Ngang nhiên tẩy date hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng - ảnh 2
Biên bản xử phạt hành chính của cơ quan chức năng
 
Với những hành vi nêu trên Công ty TNHH MTV Nhất Phan bị xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách 230.000.000đ, tịch thu phương tiện máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng, một máy in dập nổi hiệu Indusstrial Mkjet Printer Roxy 4000 plus (đã qua sử dụng). Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là 2.066 sản phẩm các loại. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng với số tiền 10.651.440 đ. Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm quá hạn sử dụng đối với 13.959 sản phẩm mỹ phẩm nhập ngoại không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa đã hết hạn sử dụng cũng như đóng mới lại thời hạn sử dụng.
 
Đồng Nai: Ngang nhiên tẩy date hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng - ảnh 3
Đồng Nai: Ngang nhiên tẩy date hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng - ảnh 4
Lực lượng chức năng kiểm đếm, đóng gói tang vật
 
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 - 70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Riêng việc kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y... sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với hành vi này. Nghĩa là nếu buôn mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt lên đến 100 - 140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
 
Riêng việc sản xuất hàng giả là mỹ phẩm sẽ có mức phạt cao hơn, tối đa lên 140 - 200 triệu đồng; Nếu buôn bán mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì sẽ bị phạt tối đa đến 100 triệu đồng... Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả.
 
Trên thực tế, không chỉ quần áo, túi xách, giày dép là những sản phẩm bị làm nhái, làm giả được buôn bán công khai mà các loại mỹ phẩm không xuất xứ, hàng dỏm cũng được bán tràn lan. Tình hình buôn bán mỹ phẩm giả chưa bao giờ “nguội” trên mặt trận chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Trong đó, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Mỗi lần ra quân rầm rộ hay kiểm tra đột xuất đều gặp hàng giả, từ giả thương hiệu hạng trung đến cao cấp... và đa số từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Quản lý thị trường nếu phát hiện, bắt giữ cũng chỉ tạm giữ hàng hóa, phạt vi phạm hành chính là xong. Quản lý thị trường vẫn ví von, lực lượng kinh doanh mua bán hàng mỹ phẩm giả như vòi bạch tuộc, cắt vòi này thì mọc vòi khác.
 
Theo nhiều chuyên gia: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm... làm giả nhiều với số lượng lớn và khó dập tắt được do quy định luật pháp chưa nghiêm. Dù mức xử phạt vi phạm hành chính có lớn nhưng lợi nhuận từ kinh doanh mỹ phẩm này mang lại gấp hàng ngàn lần thì nhiều người vẫn bất chấp để kinh doanh. Việc phạt tiền chỉ mới đánh vào kinh tế, đúng ra hành vi làm giả hàng hóa đều phải bị xử lý hình sự. Làm giả hóa mỹ phẩm khiến nhiều người biến dạng khuôn mặt sau khi sử dụng thì mức phạt chỉ vài trăm triệu đồng là chưa thỏa đáng. Nếu chỉ phạt tiền thì cũng là hình thức “thả gà ra đuổi” và không có nhiều tác dụng để ngăn chặn vấn nạn này.
 
Hải Dương