Đồng Nai thuộc top dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Tân Thanh 14:33 | 13/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  đạt hơn 607 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 và nằm trong top dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ngoại.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến 20/3/2023, Đồng Nai là địa phương xếp thứ hai cả nước về thu hút FDI. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai có 18 dự án mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, chiếm hơn 11,1% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cũng cho biết, tính đến đầu tháng 4/2023, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai hơn 1,4 ngàn dự án, với tổng vốn đăng ký gần 29 tỷ USD. Trong đó, có 1.222 dự án với tổng vốn đăng ký 26,8 tỷ USD đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến đầu tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp đã đầu tư gần 17,5.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp trên địa bàn. Các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút hơn 2 nghìn dự án của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký là trên 30 tỷ USD.

Tính riêng tháng 1, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là gần 178 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,4 triệu USD và 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng gần 171,5 triệu USD.

Hiện đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai. Các doanh nghiệp FDI đầu tư đa dạng ngành nghề như: giày dép; dệt may; sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy tính, linh kiện điện tử; nguyên phụ liệu cho ngành dệt may… Dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp là Hàn Quốc, tiếp đến Nhật Bản, Đài Loan.

 Dòng vốn FDI đổ vào Đồng Nai tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh BĐN.

Theo ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, hầu hết, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh thuộc các khu công nghiệp. Tình hình thu hút vốn FDI những tháng đầu năm khá tốt, kế hoạch năm 2023, các khu công nghiệp sẽ thu hút khoảng 700 triệu USD vốn ngoại. Các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao sẽ tiếp tục được ưu tiên mời gọi. Như vậy, mới đầu tháng 3/2023, thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp đã đạt gần 72% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu đất công nghiệp diện tích lớn cho thuê nên có thể sẽ bỏ lỡ một số dự án lớn của doanh nghiệp FDI. Các dự án đầu tư mới hoặc tăng vốn vào tỉnh trong những tháng đầu năm 2023 đều sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề và thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường tỉnh sẽ bị từ chối vì mục tiêu của tỉnh là phát triển công nghiệp xanh. 

Đồng Nai trao giấy phép tăng vốn đầu tư cho 5 doanh nghiệp FDI

Ngày 31/3, tỉnh Đồng Nai trao giấy phép tăng vốn đầu tư cho 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn tăng hơn 370 triệu USD.

Các dự án được trao giấy phép tăng vốn đầu tư lần này có 3 doanh nghiệp Hàn Quốc, một doanh nghiệp Nhật Bản và một doanh nghiệp Singapore.

Dự án có số vốn tăng nhiều nhất là của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (thuộc Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch V. Dự án tăng vốn đầu tư 182,3 triệu USD từ 742,7 triệu USD lên 925 triệu USD. Lũy kế từ khi thành lập từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký là 925 triệu USD, tạo việc làm cho 1.825 lao động.

Dự án của Công ty TNHH SMC Manufacturing (Nhật Bản), sản xuất các thiết bị điều khiển tự động tại Khu công nghiệp Long Đức được cấp phép tăng vốn đầu tư 100 triệu USD từ 449,4 triệu USD lên 549,4 triệu USD. Doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH AK Vina chuyên sản xuất hóa chất; gia công các loại sơn lót trên chất liệu kim loại và nhựa tại Khu công nghiệp Gò Dầu cũng được cấp phép tăng vốn đầu tư 37,82 triệu USD (từ 35 triệu USD lên 72,82 triệu USD).

Một doanh nghiệp cũng có vốn đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH Suheung Việt Nam tại KCN Long Thành được cấp phép tăng vốn đầu tư 25 triệu USD (từ 80 triệu USD lên 105 triệu USD). Doanh nghiệp này chuyên sản xuất các loại vỏ nang rỗng dùng trong dược phẩm và thực phẩm chức năng.

Dự án của Công ty TNHH KCC Việt Nam (vốn đầu tư Singapore) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch VI chuyên sản xuất vỏ ceramic của tụ điện, bảng bo mạch điện tử ceramic tăng vốn đầu tư 25 triệu USD (từ 112,5 triệu USD lên 137,5 triệu USD). Lũy kế kể từ khi thành lập từ 2018 đến nay, Công ty đã đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký là 137,5 triệu USD.

 Để tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn, Đồng Nai đã chuẩn bị thành lập 9 khu công nghiệp. Theo đó, 9 khu công nghiệp đã được quy hoạch đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để thành lập gồm: Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành); Cẩm Mỹ, Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ); Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) và Phước An (huyện Nhơn Trạch).