Đồng ruble phục hồi ấn tượng, Ngân hàng trung ương Nga ra loạt thông báo "nóng"
Hàng loạt biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt với Nga đã đưa đồng ruble có thời điểm giảm sâu xuống mức thấp kỷ lục 121,5 ruble đổi 1 USD. Đứng trước sự mất giá nhanh chóng của đồng ruble, Tổng thống Joe Biden từng ví đồng tiền này như một “đống đổ nát”.
Nhưng chỉ ít lâu sau, đồng ruble tăng giá mạnh trở lại. Trong phiên 7/4, tỷ giá đồng ruble lần đầu được nhìn thấy ở mức 75 ruble đổi 1 USD kể từ ngày 11/2 đến nay. Tỷ giá ruble với đồng Euro cũng lên mức 81 ruble đổi 1 Euro.
Ngày 8/4, tỷ giá ruble so với Euro có thời gian ngắn chạm mốc 79 ruble đổi 1 Euro, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2020. Tỷ giá ruble với USD cũng giao dịch quanh 74 ruble đổi 1 USD, cho thấy đồng tiền của Nga đang duy trì được sức mạnh sau một thời gian trượt giá sâu.
Bà Olga Belenkaya, chuyên gia kinh tế vĩ mô của công ty môi giới Finam nhận định sức mạnh đồng ruble được hỗ trợ bởi thặng dư tài khoản vãng lai mạnh mẽ của Nga trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới lên cao cũng như các biện pháp kiểm soát vốn trước đó của ngân hàng trung ương Nga.
Sáng 8/4, ngay khi đồng ruble quay lại mức trước chiến sự Nga - Ukraine, ngân hàng trung ương Nga bất ngờ tuyên bố cắt giảm lãi suất cơ bản từ 20% xuống 17% ngay trước thềm cuộc họp hội đồng quản trị ngân hàng, dự kiến diễn ra cuối tháng 4 này. Các quan chức tài chính tiền tệ của Nga thậm chí phát đi tín hiệu sẵn sàng cắt giảm thêm lãi suất tại các cuộc họp tiếp theo.
Tối cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục phát đi thông báo bãi bỏ lệnh cấm ngân hàng bán tiền mặt ngoại tệ cho người dân từ ngày 18/4, nhưng các ngân hàng chỉ được cho phép bán ngoại tệ mua không sớm hơn ngày 9/4.
Đồng thời, người dân sẽ được phép rút tiền mặt bằng của USD và Euro khỏi tài khoản từ ngày 11/4, nhưng giới hạn rút tiền vẫn ở mức tương đương 10.000 USD. Giới hạn này có giá trị đến ngày 9/9. Người dân có thể rút số tiền vượt quá ngưỡng này bằng đồng ruble.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ mức chiết khấu 12% cho các giao dịch USD và euro trên sàn hối đoái kể từ ngày 11/4.
Động thái nới lỏng kiểm soát thị trường vốn của Ngân hàng trung ương Nga là một dấu hiệu cho thấy thị trường tiền tệ nước này đã đi vào ổn định sau một thời gian biến động lớn vì hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Các nhà phân tích từ VTB Capital nhận định động thái hủy bỏ chiết khấu các giao dịch ngoại tệ và việc cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 17% của Ngân hàng trung ương Nga sẽ góp phần làm giảm biến động của đồng ruble.
Tương tự, các nhà phân tích của CentroCreditBank cho rằng hàng loạt động thái này báo hiệu sự kết thúc của một giai đoạn đồng ruble mất giá và biến động lớn.