Đồng yen yếu hơn liệu còn là "tin vui" cho kinh tế Nhật Bản?
Đồng yen yếu - từng được coi là yếu tố thuận lợi cho nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu của Nhật Bản - giờ đây đã trở thành một điểm yếu khi nó tác động nhiều tới tình hình "sức khỏe" tài chính của hộ gia đình và gây bối rối cho các nhà hoạch định chính sách.
Những lo ngại về sức khỏe của đồng yen đã dấy lên trong tuần này, khi đồng USD mạnh lên và chạm mức 1 USD đổi 115,525 yen - mức chưa từng thấy kể từ tháng 1/2017. Diễn biến này do kỳ vọng về lãi suất cao hơn tại Mỹ hỗ trợ đồng bạc xanh, trong khi triển vọng kinh tế Nhật Bản bớt tươi sáng cũng tác động đến thị trường.
Sự suy yếu trên buộc Bộ Tài chính Nhật Bản, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ và thường can thiệp để chống lại sự tăng giá mạnh của đồng yen, chú ý nhiều hơn đến những mặt trái của đồng nội tệ yếu. Cụ thể là ảnh hưởng của chi phí nhập khẩu cao hơn đến doanh nghiệp và hoạt động tiêu dùng của người dân.
Các công ty Nhật Bản rơi vào thế khó
Một khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy khoảng 25% các nhà chế tạo của nước này đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra nước ngoài vào năm 2020, so với 18% ghi nhận hồi năm 2010.
Xu hướng dịch chuyển dần sản xuất sang nước ngoài trên đồng nghĩa với việc đồng yen yếu mang tới ít lợi ích cho các nhà xuất khẩu nội địa hơn so với khoảng một thập kỷ trước. Thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 cũng góp phần thúc đẩy xu hướng đó, đưa cán cân thương mại của Nhật Bản chuyển sang thâm hụt khi xuất khẩu chậm lại và nhập khẩu nhiên liệu tăng mạnh.
Nhà kinh tế Kiichi Murashima của ngân hàng Citi lưu ý đồng yen yếu đẩy giá nhập khẩu lên cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô. Chuyên gia này cũng cho hay các tác động tiêu cực của một đồng yen yếu có thể còn lớn hơn trước, khi tỷ lệ thâm nhập của hàng nhập khẩu đang gia tăng.
Khi các công ty phải đối mặt với giá nguyên liệu thô cao hơn hoặc nhận thấy chi phí nhập khẩu tăng do đồng yen suy giảm, họ thường muốn chuyển chi phí bổ sung vào giá sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát người tiêu dùng tại Nhật Bản cho thấy xu hướng người dân sẽ lựa chọn các cơ sở kinh doanh khác, nếu giá chào bán tại nơi họ thường mua sắm tăng lên dù chỉ một chút. Vì vậy, các công ty buộc phải giữ nguyên giá bán vì sợ khách hàng bỏ đi.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) với các công ty Nhật Bản hồi đầu tháng 11/2021 cho thấy khoảng 30% số được hỏi dự kiến lợi nhuận sẽ giảm nếu đà suy yếu của đồng yen vẫn tiếp diễn.
Bất lợi đối với ví tiền của người dân
Một yếu tố quan trọng khác được các nhà hoạch định chính sách lưu tâm là một đồng yen yếu sẽ làm giảm sức mua của các hộ gia đình Nhật Bản, khiến họ nhận được số lượng hàng hóa và dịch vụ ít hơn so với trước đây khi chi trả cùng một số tiền.
Đồng yen giảm giá trị đã đẩy giá nhập khẩu các sản phẩm hàng hiệu, từ ô tô hạng sang, đồng hồ đắt tiền cho đến điện thoại thông minh cũng như thực phẩm cao cấp như thịt bò Mỹ nhập khẩu đều leo thang.
Ví dụ, giá của một chiếc iPhone kiểu mới đã tăng gấp ba lần lên 190.000 yen (khoảng 1.667 USD) trong thập kỷ qua, tương đương với 60% mức lương trung bình hàng tháng ở Nhật Bản. Cũng trong khoảng thời gian đó, tiền lương của người lao động Nhật Bản nhìn chung vẫn không thay đổi.
Trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho rằng lợi ích của một đồng yen yếu vẫn lớn hơn những bất lợi, có nhiều người không chia sẻ ý kiến này.
Một nguồn tin chính phủ am hiểu về vấn đề này cho biết sự suy yếu hiện tại của đồng yen là khá tiêu cực, làm giảm sức mua của người dân Nhật Bản về lâu dài. Nguồn tin nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề nợ công và nâng cao năng suất để giúp nền kinh tế Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn.
Liệu Chính phủ Nhật Bản có can thiệp?
Đảo ngược xu hướng đồng yen tăng mạnh thông qua nới lỏng tiền tệ lớn là một trong những mục tiêu chính trong các chính sách kích thích kinh tế "Abenomics" của cựu Thủ tướng Shinzo Abe trong tám năm cầm quyền đến năm 2020. Thủ tướng Fumio Kishida được cho là sẽ đi theo chiến lược này.
Trong khoảng thời gian đó, đồng yen đã mất giá 50% so với đồng USD. Song khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản hầu như không thay đổi vào cùng giai đoạn. Điều này cho thấy đồng tiền yếu hơn dù vẫn có lợi cho các công ty Nhật Bản ở nước ngoài lại chưa hẳn đã khiến hàng hóa của nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng nước ngoài.
Xuất khẩu hiện chiếm khoảng 15% trong nền kinh tế Nhật Bản tính đến năm 2020. Đây là mức đóng góp thấp thứ hai trong số các quốc gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ xếp sau Mỹ và giảm từ mức 17,5% ghi nhận vào năm 2007.
Ngược lại, tỷ trọng của khu vực tiêu dùng vẫn ổn định ở mức 53%, khiến nền kinh tế Nhật Bản dễ bị tổn thương hơn do giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh khi đồng yen yếu đi.
Cho đến năm 2011, Nhật Bản đã can thiệp rất nhiều lần để ngăn đồng yen mạnh lên làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, nước này đã ngăn chặn việc đồng nội tệ giảm giá.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để ngăn chặn đà giảm của đồng yen là vào năm 1998, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Khi đó, đồng USD vượt ngưỡng 1 USD đổi 146 yen.
Các nhà phân tích cho rằng một động thái can thiệp như vậy rất khó xảy ra trong hiện tại vì đà giảm của đồng yen chưa mạnh đến vậy. Song một số nhà phân tích coi ngưỡng 1 USD đổi 125 yen là mức hợp lý để Chính phủ Nhật Bản can thiệp.