Đợt vaccine AstraZeneca lớn nhất với hơn 1,4 triệu liều đã chuyển về TP.HCM

15:51 | 27/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 27/8, Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam VNVC đã thông báo AstraZeneca vừa thực hiện tiếp hai lần giao thứ 10 và 11 với số lượng vaccine lớn nhất từ trước đến nay, tổng số 1.442.300 liều.

Được biết, số vaccine trên thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vaccine COVID-19 giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Về tiến độ giao hàng, hợp đồng này đã hoàn thành chuyển giao gần 8,2 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca, trên tổng số gần 17 triệu liều vaccine này tại Việt Nam thông qua Hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước. 

Vaccine AstraZeneca hiện chiếm phần lớn nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước với tỷ lệ lên đến khoảng 64%. 

Vaccine COVID-19 do AstraZeneca tiến hành nghiên cứu và sản xuất là loại vaccine đầu tiên được cấp phép sử dụng và cung cấp với số lượng lớn tại Việt Nam, để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế.

Đợt vaccine AstraZeneca lớn nhất với hơn 1,4 triệu liều đã chuyển về TP.HCM - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, AstraZeneca Việt Nam và các Thị trường châu Á mới nổi cho biết việc tăng tốc cung ứng hiện thực hóa cam kết của AstraZeneca trong việc hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam chống lại đại dịch như lời bày tỏ Giám đốc điều hành tập đoàn AstraZeneca trong cuộc điện đàm song phương gần đây với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Trong tuần này, phía AstraZeneca cũng đã có buổi đón tiếp và làm việc Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Nguyễn Hoàng Long, và phái đoàn Đại sứ quán Việt Nam. Nội dung chính của cuộc gặp bàn các lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ở hai quốc gia.  

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC nhận định rằng liên tiếp các tuần nhận số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, VNVC đã nỗ lực tăng tốc đẩy nhanh các khâu thủ tục cần thiết để bàn giao vaccine cho Bộ Y tế kịp thời chống dịch. Ở thời điểm cam go này, chúng ta càng thấy ý nghĩa quan trọng của vaccine, mỗi liều vaccine là một cơ hội cứu sống một người dân.

Vaccine AstraZeneca đến tay hàng tỷ người trên thế giới bằng cách nào?

Loại vaccine vốn được Sarah Gilbert - nhà khoa học Đại học Oxford cùng các cộng sự sáng chế ra. 

Điểm khác biệt giữa các loại vaccine ngừa COVID do Pfizer và Moderna sản xuất đang được bán với giá gần 20 USD/liều là các quốc gia có thể đặt mua loại của Oxford/ AstraZeneca với giá chưa đến 3 USD/liều. Công ty AstraZeneca cũng hứa sẽ không thu lợi khi đại dịch đang diễn ra, giúp các nước đang phát triển và nước nghèo có thể tiếp cận vaccine. 

Được biết, để tạo ra vaccine thì bà Gilbert đã phải làm việc từ sáng sớm đến tận tối muộn. Thời gian ngày càng gấp rút, tuy có được kết quả thử nghiệm tốt và đứng trước cơ hội kiếm được số tiền khổng lồ trên đến hàng triệu USD nhưng nữ khoa học và đồng nghiệp đã chọn từ bỏ bằng sáng chế vaccine để có thể cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới, nguồn tin từ tổ chức truyền thông Investigate Europe cho biết. 

Trước đại dịch Covid-19, quyền phát triển và sản xuất vaccine thuộc sở hữu của Vaccitech - một công ty được bà Gilbert và Giáo sư Adrian Hill thành lập vào năm 2015. Hai người sở hữu khoảng 10% cổ phần công ty, theo Sky News. Theo thỏa thuận, Đại học Oxford nắm 50% quyền phát triển và sản xuất vaccine này. 

Tuy nhiên, cả Vaccitech và Đại học Oxford mau chóng nhận ra rằng với một đại dịch như COVID-19, họ cần đối tác lớn để phụ trách việc sản xuất với số lượng lên đến hàng tỷ liều. Nên công ty của bà Gilbert quyết định chuyển lại quyền của mình cho Đại học Oxford và để trường làm việc với AstraZeneca.

Từ đó, một thỏa thuận phát triển, sản xuất và phân phối vaccine độc quyền trên toàn cầu với Oxford được hình thành và có cam kết bình ổn giá, không thu lời để giúp nhiều quốc gia tiếp cận như ở trên. 

Tính đến thời điểm hiện tại nước ta đã nhận hơn 26 triệu liều vaccine COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó vaccine AstraZeneca chiếm chủ yếu với 16 triệu liều, Moderna 5 triệu liều, Pfizer hơn 2,8 triệu liều, Sinopham 2,5 triệu liều và 12.000 liều vaccine Sputnik V.

Bộ Y tế là cơ quan chủ trì trong việc phân phối vaccine tới các địa phương trên cả nước. Hiện bộ đã tổ chức 25 đợt phân bổ, 3 đợt gần đây nhất các tỉnh thành đã tiếp nhận được hơn 2 triệu liều vaccine. Tính đến nay, cả nước đã tiêm được gần 19 triệu liều vaccine COVID-19.

Chiều ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot. AstraZeneca cam kết đẩy mạnh cung ứng vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của AstraZeneca trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu cũng như trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định vắc xin AstraZeneca góp phần quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm cao trong thực hiện chiến lược vắc xin, đưa vắc xin về Việt Nam với số lượng nhiều nhất và trong thời gian sớm nhất, để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tổng giám đốc AstraZeneca quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam, đồng thời tăng cường và nỗ lực hoàn thành hợp đồng cung ứng thêm vắc xin cho Việt Nam ngay tháng 9-2021 và kế hoạch đến cuối năm 2021.

Đáp lại đề nghị của Thủ tướng, Tổng giám đốc AstraZeneca Soriot cam kết sẽ cung ứng vắc xin theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vắc xin cho Việt Nam trong tháng 8 từ nguồn của tập đoàn này và các nguồn khác.

Thời gian tới, AstraZeneca sẽ cố gắng cao nhất, đáp ứng tích cực các đề nghị của Việt Nam, và mong muốn thúc đẩy hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam, một thị trường với 100 triệu dân và đang tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Duy Anh

Xem thêm: Đội quân y lưu động đến tận nhà lấy mẫu, tiêm vaccine cho dân