Dự án 820 ha của Louis Capital tại Phú Thọ bị 'khai tử'

Đông Bắc 15:41 | 05/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Phú Thọ quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời – Suối Tiên có quy mô hơn 820 ha của CTCP Louis Capital.

 

CTCP Louis Capital (HOSE: TGG) mới đây đã nhận được quyết định số 2522 của tỉnh Phú Thọ về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên. Đây là dự án được tỉnh Phú Thọ đánh giá là chậm tiến độ và vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên có vị trí tại tiểu khu 48, xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Dự án đã nhận được Quyết định chủ trương đầu tư số 2237 vào ngày 29/8/2017.

Đến năm 2019, Louis Capital đã chi ra 12,5 tỷ đồng sở hữu 25% cổ phần tại CTCP Ao Giời - Suối Tiên để đầu tư vào dự án này. Thời gian thực hiện đầu tư dự kiến từ năm 2017 đến năm 2025.

Dự án có tổng diện tích 820,39 ha, trong đó, 24,3 ha dành cho các dự án du lịch văn hóa tâm linh và nghỉ dưỡng; 148,69 ha dành cho vùng đệm; và 647,4 ha rừng tự nhiên. Trong đó gồm 3 cụm công trình lớn: Khu du lịch sinh thái và tín ngưỡng “Huyền thoại Mẹ Âu Cơ”, Không gian văn hóa, du lịch trung du Bắc Bộ và Trung tâm nghỉ dưỡng “Bách niên tiên cảnh”.

 

 Vi Văn Di 19026407906012 Teckcombank Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời – Suối Tiên của CTCP Louis Capital bị chấm dứt hoạt động và thu hồi. Ảnh phối cảnh dự án. 

Dự án có tổng mức đầu tư trên 293 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2020) thực hiện giải phóng mặt bằng, giai đoạn 2 (2020-2025) thực hiện các hạng mục còn lại.

Dự án đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và tính đến tháng 9/2018, UBND huyện Hạ Hoà đã lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Tuy nhiên, tính tới ngày 31/12/2021, dự án vẫn đang được thực hiện.

Tính đến ngày 30/6, Louis Capital ghi nhận chi phí xây dựng dở dang dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời – Suối Tiên gần 3 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2022, HĐQT Louis Capital thông qua chủ trương thoái toàn bộ 3,58% vốn điều lệ, tương đương gần 1,8 tỷ đồng tại CTCP Du lịch Ao Giời - Suối Tiên nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, thu hồi vốn đã đầu tư nhằm bổ sung vốn cho các dự án khác.

Ngoài ra, vào ngày 14/10 sắp tới, Louis Capital cho biết sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để trình phương án hủy việc phát hành cổ phiếu và thay đổi kế hoạch kinh doanh.

Cụ thể, Louis Capital sẽ trình cổ đông điều chỉnh kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 1.071 tỷ đồng xuống 550 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 49%. Về kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất, công ty đặt mục tiêu không lỗ trong năm nay, trong khi kế hoạch ban đầu là có lãi sau thuế 122 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HĐQT Louis Capital cũng dự kiến tiến hành bỏ phiếu để hủy kế hoạch huy động tổng 682,5 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Nguyên nhân là do HĐQT nhận thấy phương án tăng vốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Phú Thọ mạnh tay xử lý loạt dự án trăm tỷ đồng chậm tiến độ

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện đang tồn tại nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng thi công chậm tiến độ. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương; gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.

Điển hình như dự án khách sạn Đại Hà (thuộc phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) do Công ty TNHH Đại Hà làm chủ đầu tư được tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2011, diện tích xây dựng hơn 3.100m2, tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng.

Hiện dự án vẫn "giậm chân tại chỗ", chỉ có vài ba đống cây cọc, những miếng tôn đã hoen rỉ để ngổn ngang, hoàn toàn không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng.

Dự án  Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy) do Công ty TNHH Sông Thao làm chủ đầu tư, được chấp thuận đầu tư năm 2002, với diện tích 87ha, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng nhưng gặp nhiều khó khăn chưa thể hoàn thành. Hiện chủ đầu tư đang lâm vào cảnh nợ thuế, nợ ngân hàng kéo dài, tài sản thế chấp…

Tương tự, dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng (TP Việt Trì) thuộc Công ty cổ phần Thép Sông Hồng được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận đầu tư năm 2002, có diện tích hơn 10ha, tổng mức đầu tư 234,058 tỷ đồng, công suất 180.000 tấn/năm.

Đến năm 2009, công ty đã hoàn thành giai đoạn một, đi vào hoạt động. Do hoạt động thua lỗ, năm 2012, công ty tạm dừng hoạt động dự án. Hiện nay, dự án không có khả năng triển khai tiếp tục.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ tiến độ thi công các dự án: Sử dụng đất sai mục đích, chưa giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; không đủ năng lực tài chính thực hiện; nợ thuế, nợ ngân hàng, tài sản bị thế chấp…

 

 Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy) do Công ty TNHH Sông Thao làm chủ đầu tư chậm tiến độ. Ảnh phối cảnh dự án.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ, hiện toàn tỉnh có 18 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc kéo dài thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy quản lý.

Trên cơ sở xem xét, kiểm tra các vấn đề tồn tại có liên quan và đối chiếu với các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan, UBND tỉnh Phú Thọ đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm những dự án chậm tiến độ, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Cụ thể, trong năm 2022 tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết 11 dự án (kiên quyết thu hồi 6 dự án; tập trung giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, tồn tại khác của 5 dự án).

Cụ thể, đối với dự án Khách sạn Đại Hà, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan kiên quyết thu hồi trong năm 2022, không kéo dài, trì hoãn.

Đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ sẽ tiến hành truy thu thuế do không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc tiếp tục cho công ty triển khai dự án sau khi thẩm định năng lực của nhà đầu tư đảm bảo đủ điều kiện triển khai dự án và ký quỹ đảm bảo đầu tư. Sau 12 tháng không triển khai như cam kết sẽ thực hiện thủ tục thu hồi dự án không bồi hoàn. 

Đối với nhóm dự án của Công ty xi măng Hữu Nghị, Nhà máy cán thép Sông Hồng, tỉnh Phú Thọ giao cho các đơn vị liên quan xem xét thống nhất hoàn thiện hồ sơ thực hiện theo luật phá sản doanh nghiệp. Đồng thời chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi dự án, cho xử lý tài sản theo quy định.

Quan điểm của tỉnh Phú Thọ, việc giải quyết vướng mắc, tồn tại của các dự án chậm tiến độ kéo dài sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan. Việc thu hồi dự án chậm tiến độ sẽ không kéo dài, trì hoãn và không xem xét đến các lý do có liên quan.