Dự án kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cần 8.607 tỷ đồng để triển khai

14:01 | 28/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai để bộ GTVT xem xét.

Cụ thể, dự án có 82,1 km chiều dài toàn tuyến, điểm đầu tại nút giao IC14 (lý trình Km149+705 đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai), nằm tại tỉnh Yên Bái; điểm cuối giao với Quốc lộ 2 (Km235+700 - lý trình Quốc lộ 2) thuộc khu vực huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. 

Ngoài các hạng mục chính, sẽ có thêm loạt 16 cầu mới với tổng chiều dài 2,24km, có 2 cầu lớn kết cấu dầm liên tục vượt sông Hồng, sông Chảy và 2 hầm đường bộ có chiều dài 1,12km.

Dự án sẽ được phân làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng theo quy mô mặt cắt ngang tương ứng với quy mô mặt cắt ngang của đường ôtô cấp III đồng bằng gồm 2 làn xe với bề rộng nền đường 12m, với các yếu tố bình diện, trắc dọc theo tiêu chuẩn đường cao tốc với mục đích để làm tiền đề xây dựng đường cao tốc sau này.

Giai đoạn tiếp theo để hoàn chỉnh sẽ diễn ra sau năm 2040, dự kiến sẽ xây mới đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h, chiều rộng nền đường từ 22 - 24,75m. 

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 8.607 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cần  8.607 tỷ đồng để triển khai - ảnh 1

Chỉ một mình Quốc lộ 2 là không đủ để gánh lượng xe lưu thông giữa 2 vùng

Trước đó, Ban Quản lý Dự án 2 cũng kiến nghị Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án này sử dụng vay vốn EDCF. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính xem xét và chỉ ra các thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và cơ chế tài chính đề xuất của dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và làm việc với nhà tài trợ; cuối cùng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.

Nếu được thông qua sẽ tiến hành hiệp định vay vốn từ năm 2023 - 2027 để triển khai dự án. 

Về lý do triển khai dự án, các cơ quan chức năng biết hiện tại chỉ có Quốc lộ 2 là tuyến đường duy nhất để kết nối từ Hà Giang, di chuyển về khu vực đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội và các cảng biển. Nhưng Quốc lộ đang có dấu hiệu quá tải, làm ảnh hưởng đến tốc độ thông hành của các phương tiện giao thông.

Ngoài ra, Hà Giang cũng là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, khoáng sản và tỉnh đã hình thành khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy với nhiều chức năng phát triển kinh tế trọng điểm của địa phương. Nhưng, vấn đề phát huy hết tiềm năng của tỉnh Hà Giang và cửa khẩu Thanh Thủy vẫn là một bài toán bởi một phần là do hệ thống đường giao thông còn đi lại khó khăn.

Do đó, việc xây dựng một tuyến đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai vô cùng cần thiết cho việc phát triển kinh tế - thương mại của miền Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng.

H.S

Xem thêm: Bộ GTVT nhiều 'lỗi', cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chậm triển khai ?