Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Chỉ định thầu phải quy định cụ thể

Đông Bắc 07:27 | 08/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu cần khắc phục được những bất cập liên quan tới việc đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế hiện nay.

 

Nhiều đại biểu thống nhất sự cần thiết của việc sửa Luật nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu. Do vậy, nội dung về chỉ định thầu phải được quy định cụ thể.

Ông Vương Quốc Thắng (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) phát biểu: "Về chỉ định thầu ở Điều 21 thì đề nghị được quy định về mức tiết kiệm bắt buộc mà mức này bằng hoặc lớn hơn tỷ lệ tiết kiệm bình quân giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu theo từng lĩnh vực và hình thức lựa chọn nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng năm. Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện đấu thầu 2015-2021, tính toán ra khoảng 5% tiết kiệm được, do vậy cần có mức tiết kiệm bắt buộc".

"Điều 21 về chỉ định thầu cần phải làm rõ về khái niệm thế cấp bách bởi vì trong Luật đầu tư công cũng như là trong Luật Xây dựng cũng như là pháp luật hiện hành khác thì không có khái niệm về công trình cấp bách. Trên thực tế, các địa phương cũng có hay sử dụng cụm từ công trình cấp bách nhưng Luật đầu tư công quy định là công trình khẩn cấp thôi chứ không có công trình cấp bách. Vậy thì ở đây Luật đấu thầu và các luật khác có nói đến từ cấp bách có được hiểu là khẩn cấp, các công trình khẩn cấp hay các trường hợp khẩn cấp như Luật đầu tư công không thì phải làm rõ để dễ tổ chức thực hiện" - ông Đinh Việt Dũng (đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) phát biểu.

 

 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi - Ảnh: VGP 

Cần có một chương riêng về đấu thầu y tế

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (đoàn TP HCM), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với việc thiếu thuốc, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế trong thời gian qua cần có một chương riêng về đấu thầu y tế trong sửa đổi Luật Đấu thầu lần này.

Ông phân tích, trong dự thảo luật hiện tại mới chỉ rõ về việc đấu thầu thuốc còn 2 mục rất lớn trong ngành y đó là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế chưa được quy định rõ.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất có những phân biệt các mặt hàng y tế với hàng hoá thông thường, phải có định nghĩa riêng bởi hàng hoá y tế là loại hàng hoá đặc biệt, liên quan tới sức khoẻ người bệnh.

Đại biểu Thức cũng cho rằng, hình thức dễ sinh ra tiêu cực nhất là hình thức chỉ định thầu nên trong luật sửa đổi nên có những quy định cụ thể, chi tiết. "Dễ sinh ra tiêu cực nhất là chỉ định thầu nên quy định luật càng chi tiết càng tốt", ông nói.

Vị đại biểu đoàn TP HCM đề nghị làm rõ các vấn đề trong chỉ định thầu như thế nào tình huống bất khả kháng, tình huống cấp cứu và ông đề nghị bổ sung thêm tình huống cấp bách trong chỉ định thầu. Đây là tình huống cần phải mua thuốc ngay.

Đồng thời, ông đề nghị cần quy định tổ chức nào được xác định gói thầu chỉ định là tình huống cấp cứu, tình huống cấp bách phải mua ngay để bảo đảm yêu cầu hoạt động của bệnh viện, bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh. Ví dụ như hội đồng khoa học kỹ thuật, hay đảng uỷ bệnh viện xác định và phải tin tưởng tổ chức đó, tránh tâm lý e ngại không dám mua thuốc, dẫn tới thiếu thuốc cho người bệnh.

Để bệnh viện không "e ngại" đấu thầu...

Cũng liên quan tới quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) chia sẻ thực tế, tiêu chí trúng thầu đầu tiên hiện vẫn là giá rẻ. Nữ đại biểu TPHCM ví dụ, với các mặt hàng như giấy, công nghệ… lỡ chọn loại rẻ cũng chưa ảnh hưởng tới sức khỏe người dân nhưng mặt hàng y tế thì khác.

"Tiết kiệm 1 đồng hôm nay nhưng tăng số ngày điều trị, mất niềm tin của người dân. Bác sĩ cũng nản nghề khám chữa bệnh", bà nói.

Nữ đại biểu Quốc hội nêu quan điểm, đấu thầu không phải biện pháp duy nhất và không tránh được tiêu cực. Tại các bệnh viện tư không tiến hành đấu thầu và các bác sĩ biết thuốc nào phù hợp nhất cho bệnh nhân. Phù hợp nhất ở đây cũng không đồng nghĩa với giá rẻ nhất.

Do đó, đại biểu mong mỏi các bệnh viện được tự chủ như bệnh viện tư nhân, được phát huy tính chủ động trong mua sắm, tránh tình trạng "xây dựng luật nhưng nhìn đâu cũng thấy tiêu cực". Bởi theo bà, trong lĩnh vực y tế, đại đa số đều đặt sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu.

Về một số quy định trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, yếu tố quan trọng là xây dựng giá để đưa ra đấu thầu phải sát với giá thị trường trước khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu.

Đại biểu đề nghị có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên giá các loại hàng hóa, dịch vụ này làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương có căn cứ đấu thầu, rút ngắn được thời gian, quy trình, thủ tục.

Đại biểu Hoàng Đức Chính (đoàn Hòa Bình) cho biết, thực tế vừa qua, những vi phạm trong hoạt động đấu thầu do nhân dân hoặc các cơ quan báo chí phát hiện ra. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tăng cường công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và báo chí theo dõi, giám sát, từ đó phát hiện những vi phạm, sai sót trong đấu thầu. Bổ sung sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác đấu thầu để bảo đảm công khai, minh bạch.