Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Cần tính đúng, sát giá thị trường khi thu hồi đất

Đông Bắc 07:32 | 04/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là luật khó, có tác động đến hầu hết các khía cạnh của đời sống của người. Nhiều đại biểu kiến nghị cần quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất.

 

Xây dựng nơi tái định cư mới được thu hồi đất của dân

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) trăn trở khi các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận "chênh lệch địa tô" từ việc thu hồi đất của nông dân. Trong khi đó, người nông dân mất đất nên chật vật khi tìm kế sinh nhai mới, dẫn đến họ thua thiệt nhiều bề.

Do đó, đại biểu đề nghị, việc thu hồi đất của người dân phải "tính đúng, tính đủ, sát giá thị trường" nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, nên có quy định cụ thể đối với việc bồi thường bằng đất khi người dân bị thu hồi đất, sao cho ngang với giá trị đất mà người dân bị nhà đầu tư làm dự án thu hồi.

Đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hoá các giải pháp về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho dân khi bị thu hồi đất, phải xây dựng kết cấu hạ tầng chỗ ở mới cho người dân tái định cư. "Cần làm rõ nếu hạ tầng tái định cư mới cho người dân chưa hoàn thành thì chủ đầu tư có được thu hồi đất của dân hay không. Có như vậy mới giảm được khiếu kiện về đất đai nhiều như hiện nay khi mỗi hộ gia đình phải được bố trí một suất tái định cư nếu bị thu hồi đất", đại biểu nêu vấn đề.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu kiến nghị dự thảo luật cần tách bạch giữa quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về đất đai (Chính phủ, chính quyền địa phương) và chức năng quản lý nhà nước của chính quyền.

 

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh QH.

"Tôi thấy dường như bóng dáng của chức năng quản lý nhà nước nhiều hơn chức năng quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về đất đai trong các cấp chính quyền hiện nay. Trong khi đó, chức năng đại diện quyền sở hữu nhà nước rất quan trọng, khi chính quyền đại diện cho dân thì chính quyền phải có trách nhiệm giải trình với người dân và bảo đảm lợi ích của người dân với tư cách là đại diện cho quyền chủ sở hữu", đại biểu Hiếu nhìn nhận.

Quan tâm đến đất đai phân bổ cho doanh nghiệp, đại biểu Hiếu dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy cứ 2 doanh nghiệp được khảo sát thì có 1 doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận đất đai rất khó khăn. Do đó, báo cáo tổng kết cần làm rõ điều này để có giải pháp, trong đó nêu rõ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai ở khâu nào, nhất là có đến 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đại biểu, việc minh bạch, công khai thông tin về quy hoạch đất đai từ sớm rất quan trọng để giải quyết bất đối xứng thông tin được cung cấp ra bên ngoài.

Về cải cách thể chế, đại biểu bày tỏ "thất vọng" khi tại Chương 14 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ liệt kê 7 nhóm thủ tục hành chính mà không có nội dung về thủ tục hành chính được quy định trong Luật.

"Vì không có nội dung về các thủ tục hành chính được quy định trong Luật nên tôi không biết góp ý thế nào. Lần sửa đổi này có cải cách được gì về thể chế, thủ tục hành chính hay không, trong khi điều chúng ta hy vọng lớn là tháo gỡ về thể chế", đại biểu Hiếu bày tỏ.

Về giải quyết xung đột pháp luật, có hiện tượng luật nào cũng khoanh cho một "vùng bất khả xâm phạm" để luật khác không đụng vào, điều này có thể tạo xung đột luật, chồng lấn nhau.

Tính giá đất cần yếu tố khách quan, vô tư, không vụ lợi

Tán thành với ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng phải làm rõ vai trò của đại diện chủ sở hữu đất đai là Nhà nước cần thể hiện được vai của "ông chủ", quyền năng như thế nào, trong khi dự thảo Luật mới thể hiện được vai trò quản lý nhà nước mà thôi.

Đồng thời, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này phải có lời giải cho việc hạn chế khiếu nại, tố cáo về đất đai vỗn quá nhiều như hiện nay.

Quan tâm đến vấn đề giá đất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (đại biểu Kiên Giang) phân tích, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, trong khi giá đất định theo giá thị trường nhưng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hoá, truyền thống, đôi khi cả yếu tâm linh, nên định giá theo cơ chế thị trường là không dễ dàng.

Tuy nhiên, "nếu chúng ta làm khách quan, vô tư, vì cái chung và không có yếu tố vụ lợi thì chắc sẽ định được giá đất", Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Về giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng các tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do toà án giải quyết theo quy định của tố tụng dân sự là điều rất tốt nhưng khó khả thi, khi mà toà án không xử lý xuể các mối quan hệ về đất đai "muôn hình vạn trạng", từ cấp thôn, xã, phường đều phát sinh nhiều vấn đề, không chỉ sai người dân mới khiếu nại mà có khi đúng vẫn bị khiếu nại vì "muốn được hơn một ít".

 

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (đại biểu Kiên Giang). Ảnh VGP. 

Thay đổi mục đích sử dụng, giá đất có thể 'tăng vọt'

Cũng tại thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho biết, đây là dự án luật khó, khi sửa liên quan đến 112 luật khác nhau. Có rất nhiều vấn đề trong thực tế hiện nay, như việc tranh chấp, xuống cấp đạo đức, các vụ án hình sự, vụ kiện dân sự… liên quan đến đất đai.

Theo đại biểu, trong luật đã khẳng định đất sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện quyền sở hữu. Do vậy, khi sửa Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm những nội dung nào toàn dân quyết định và nội dung nào toàn dân ủy quyền Nhà nước được làm, cũng như đại diện Nhà nước đến đâu.

"Khi đã nói là sở hữu thì có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Tuy nhiên, trong thực tế lại không như vậy, khi quyết định vấn đề bán đất, đổi đất lại chỉ có vài người quyết. Bây giờ Nhà nước sở hữu cũng là thực hiện, thừa lệnh toàn dân, chứ Nhà nước không được thay toàn dân. Phải làm rõ nội hàm này, cái nào toàn dân quyết định, cái gì toàn dân ủy quyền cho Nhà nước. Đồng thời cũng cần làm rõ Nhà nước đến cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Thực tế cấp xã cũng có thể bán đất, thay đổi đất", ông Trần Công Phàn nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng, giá trị của đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm khác nhau. Việc sửa luật phải cân bằng giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Vấn đề này cần được đảm bảo hài hòa, không thiên về bên nào.

Dẫn chứng việc giải toả để làm đường, nhiều nhà dân ở mặt đường với giá trị vài chục triệu/mét vuông, khi giải tỏa phải chuyển về khu tái định cư và nhiều nhà bên trong được ra mặt đường. Như vậy, giá trị không tương xứng, không bằng nhà bên trong được ra mặt đường.

"Kinh nghiệm từ một số nước là những người muốn ra mặt đường sẽ phải nộp một khoản tiền và lấy tiền đó cho những người tái định cư. Do vậy, khi sửa luật cũng cần tính việc đó nhằm đảm bảo cân đối lợi ích cho người dân", đại biểu Trần Công Phàn nói.

Liên quan đến giá đất, đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ trong luật khi thay đổi quyền sử dụng đất. Bởi nhiều trường hợp lúc này giá đất chỉ 1 triệu đồng, nhưng khi thay đổi mục đích sử dụng đất, lại tăng vọt.

"Ở đây tất cả vì lợi ích, giàu lên vì đất, rơi vào vòng lao lý cũng vì đất", đại biểu đề nghị làm rõ mức giá sát với thị trường (khi có nhiều loại đất khác nhau), nếu không có định hướng về giá thì xác định giá đất rất khó.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) đề cập cơ chế về giá chưa phù hợp, không đầy đủ, chồng chéo, giá bồi thường quá thấp.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai chưa phù hợp, chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức thu hồi. Việc cấp, thu hồi "sổ đỏ" cũng phát sinh nhiều vướng mắc. "Có nơi hai nhà sát nhau nhưng có nhà được cấp 'sổ đỏ', nhà bên cạnh lại không, dẫn đến khiếu kiện kéo dài", đại biểu nêu ví dụ.

Theo đại biểu, các quyết định hành chính của Nhà nước về cấp, thu hồi đất có nhiều hạn chế, nơi thu hồi đất xong để cỏ mọc, có nơi dân lại không có đất ở, canh tác… Bên cạnh đó, nhu cầu người dân cao, luôn mong muốn diện tích lớn hơn diện tích thu hồi cùng với các điều kiện về sinh kế khác.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đai biểu cũng đề nghị, dự Luật cần quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. "Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh, ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng. Thực trạng này đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua".

Đại biểu Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng cho rằng, giá đất theo thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất… cũng có hai mặt. Thực tế hiện nay ngoài việc xác định giá rất khó, thì chính nó cũng là yếu tố đẩy giá lên cao, tạo ra bong bóng bất động sản. Rồi dự án sau cao hơn dự án trước, gây khó khăn cho xác định giá đất. Không ai dám xác định giá đất thấp hơn giá vừa đấu thành công. Cứ như thế giá đất nối đuôi nhau ngày càng tăng cao.

Hiện nay, tại Thái Bình nhiều dự án đấu giá đất không ai tham gia vì xác định giá khởi điểm rất cao, không thể nào hạ giá được dù thị trường bất động sản đang đi xuống. Chỉ còn cách là cứ đưa ra đấu giá lần một, lần 2 rồi lần 3 không thành, mỗi lần như vậy hạ giá một ít. Nhưng chờ được 3 lần như vậy mất rất nhiều thời gian, nên toàn bộ kế hoạch đấu giá đất, thu ngân sách… không đạt.

Hơn nữa, nếu chỉ tập trung thu ngân sách thông qua đấu giá đất, thì những giá trị này không bền vững, đẩy giá đất lên cao, thì làm ảnh hưởng tới các yếu tố đầu vào, đầu tư khác, gây bất lợi cho nền kinh tế. Ông Ngô Đông Hải cho rằng, cần tính kỹ chỗ này để đảm bảo tính ổn định, bền vững nếu không "rất nguy hiểm".