Tăng trưởng GDP có khả năng đạt 6-6,5% trong năm nay, cảnh báo rủi ro nợ xấu
Quý I/2022, tăng trưởng GDP ước đạt 5,03%, cao hơn mức tăng 4,72% của quý I/2021 và mức tăng 3,66% của quý I/2020. Giới chuyên gia đánh giá kết quả này cho thấy sự phục hồi ngày càng rõ nét của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ kiên định lập trường sống chung với COVID-19 và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ.
Động lực tăng trưởng chính trong quý I đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng với mức tăng 6,38%, đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung và khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục ghi nhận những tín hiệu sáng. Dù FDI đăng ký ước đạt 8,91 tỷ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, FDI thực hiện lại đạt tới 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% và là mức giải ngân FDI cao nhất trong cùng kỳ 5 năm gần đây.
Tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng rõ rệt.
Từ những kết quả phục hồi tích cực của quý I/2022, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ.
Tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% trong kịch bản tích cực
Theo nhóm chuyên gia của BIDV, trong kịch bản tích cực, giả định Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 và giảm thiểu rủi ro, tác động tiêu cực từ xung đột Nga – Ukraine thì tăng trưởng GDP của đất nước năm nay vẫn có thể đạt 6-6,5%.
Tuy nhiên, trong kịch bản trung bình, nếu chiến sự kéo dài và việc thực hiện các Chương trình phòng chống dịch, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 không đạt kết quả tích cực như kỳ vọng, tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5,5-6%. Ở kịch bản xấu hơn, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 4,5-5%.
Dự báo về lạm phát, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia BIDV khẳng định năm 2022 là năm Việt Nam chịu áp lực kiểm soát lạm phát rất lớn trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ toàn cầu ở mức cao. Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam năm nay mạnh mẽ hơn năm 2021, sức cầu được cải thiện, các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động trở lại. Ngoài ra, độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi sẽ là những thách thức chính đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022.
Trên cơ sở tính toán, sự cải thiện sức cầu, sự phục hồi hoạt động kinh tế xã hội và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu, BIDV dự báo CPI bình quân năm 2022 của Việt Nam ở mức 3,8-4,2%, có thể cao hơn mục tiêu 4% nhưng là chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi kinh tế.
Dự báo này khá sát với một số dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế. Trước đó, trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng CPI của Việt Nam năm nay nằm trong khoảng 3,8-4,2%, vượt một chút so với ngưỡng mục tiêu lạm phát 4% mà Quốc hội đưa ra nhưng vượt không nhiều do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có kinh nghiệm kiểm soát giá cả rất tốt, nền tảng vĩ mô trong nước hiện nay cũng tốt hơn nhiều so với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008 trước đây.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay trong khoảng 3,8%.
Rủi ro từ lạm phát và nợ xấu
Cảnh báo về những rủi ro với quá trình phục hồi kinh tế năm 2022, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu BIDV chỉ ra 4 nguy cơ chính.
Đầu tiên là diễn biến tiếp tục phức tạp của đại dịch COVID-19 và sự xuất hiện của biến thể mới có nguy cơ tác động đến kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội; đòi hỏi cần tiếp tục theo dõi sát sao, đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng bao phủ vaccine và có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.
Thứ hai là áp lực lạm phát đang gia tăng trong nền kinh tế. Trong quý I, CPI bình quân tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,29% của quý I/2021. Trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 0,81%, cũng cao hơn mức tăng 0,67% của cùng kỳ năm trước.
Theo TS. Cấn Văn Lực, đà tăng của lạm phát bắt nguồn từ cả hai yếu tố cầu kéo (kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng) và chi phí đẩy (giá cả hàng hóa, dịch vụ thế giới tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào, chi phí lưu thông, kho bãi, giá lương thực, thực phẩm tăng). Ước tính, chỉ riêng mức tăng của các nhóm giao thông và nhà ở, vật liệu xây dựng đã đóng góp tới hơn 80% mức tăng CPI chung trong quý I.
Rủi ro thứ ba là tốc độ giải ngân đầu tư công chậm. Mặc dù trong quý I, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng 10,6% so với cùng kỳ 2021, nhưng là mức thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước và mới chỉ đạt 14,4% so với kế hoạch năm, chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ.
Đặc biệt, theo TS. Lực, nợ xấu vẫn là thách thức lớn với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có nguy cơ tiếp diễn trong năm 2022, doanh nghiệp dù hồi phục song còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực dịch vụ cần thời gian phục hồi.
Theo số liệu từ NHNN, đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu gộp có thể lên tới khoảng 6,3%, tăng đáng kể so với mức 5,1% cuối năm 2020.
Với đà này, dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022 và sẽ là thách thức lớn khi các chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đi đến hết hiệu lực.
Nhóm nghiên cứu BIDV cảnh báo thực tế này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý trong việc gia hạn, điều chỉnh Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (sẽ hết hiệu lực từ ngày 15/8/2022) cũng như nỗ lực của bản thân các tổ chức tín dụng trong việc tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu.