Dự kiến chi hơn 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

06:23 | 01/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ ở mức hơn 26.000 tỷ đồng.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 diễn ra vào ngày 29/6.

Về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ (gói 62.000 tỷ đồng).

Bàn về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nghị quyết này phải đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan đáp ứng được đại đa số nguyện vọng của người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra các sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

Dự kiến chi hơn 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động - ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp

Tháng 4/2020, gói an sinh 62.000 tỷ đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất được Chính phủ ban hành. Dự kiến 35.880 tỷ hỗ trợ 20 triệu người thuộc nhóm chính sách xã hội, lao động phi chính thức, lao động khu vực chính thức mất việc làm, hộ kinh doanh. Khoảng 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho lao động.

Ngoài ra, thêm nhóm chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động với 3.000 tỷ trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tới tháng 5/2021, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng (khoảng 22%) cho 13,2 triệu người.

Ủy ban Kinh tế ngày 15/6 đánh giá các chính sách chưa thực sự "chạm" tới được người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì dịch. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%.

Theo Ủy ban, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua, từ đó đưa ra dự báo, kịch bản với những đề xuất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả hơn.

Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận và thông qua 8 nội dung trong đó có những nội dung hết sức quan trọng như: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 năm 2005 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19...

H.A

Xem thêm: Gói an sinh hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19 lần 2 có lặp lại bế tắc như gói 62.000 tỷ lần 1 ?