Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất, tái định cư phải đảm bảo đời sống người dân

Đông Bắc 17:27 | 04/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, vấn đề thu hồi đất, tái định cư phải đảm bảo đời sống người dân.

  

Bên lề ký họp thứ 6, góp ý về  Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá, qua 3 kỳ họp liên tục được sửa chữa, điều chỉnh một cách nghiêm túc, cầu thị, Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản thể chế hoá được chủ trương, chính sách về đất đai đã được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đưa ra được các phương án giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tế đặt ra như hoàn thiện quan điểm về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất về mục đích quốc phòng, an ninh, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất…

Thu hồi đất, tái định cư phải đảm bảo đời sống người dân

Vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, theo đại biểu Tâm, Hiến pháp đã khẳng định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 lần này đã hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 một cách tương đối công khai, minh bạch. Dự thảo đã hướng tới việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi. Cụ thể, dự thảo đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trường hợp thu hồi đất…

Đặc biệt, dự thảo đã bổ sung thêm một khoản (khoản 32 Điều 79) quy định đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp mà Luật này đã quy định thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Như vậy, có thể thấy, dự thảo đã bao quát đầy đủ các trường hợp sẽ phát sinh từ thực tiễn mà vẫn đảm bảo được luật định theo quy định của Hiến pháp. Trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải chỉnh sửa, bổ sung phương án mà có nội dung chỉnh sửa về giá đất, giá tài sản thì giá đất, giá tài sản để tính bồi thường được xác định tại thời điểm ban hành quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 

  Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh Quochoi.vn.

Trường hợp tại thời điểm ban hành quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà giá đất, giá tài sản thấp hơn so với giá đất, giá tài sản trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt thì áp dụng giá bồi thường trong phương án đã phê duyệt. Cũng theo đại biểu, đóng góp ý kiến cho Luật đất đai (sửa đổi), có đến 10% đóng góp của nhân dân tập trung vào các nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các ý kiến đóng góp đều mong muốn một chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thỏa đáng, minh bạch, công bằng.

Dự thảo Luật Đất đai đã có những chỉnh lý trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, theo đó thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt (Được quy định tại Chương VII, đặc biệt là Điều 91 quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư) . Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ được cụ thể hoá bằng các tiêu chí về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư.

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án nhà ở thương mại, cũng có… mỗi phương thức đem lại quyền lợi cho từng mục tiêu giúp hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trường hợp đất thu hồi, tài sản gắn liền với đất đang có tranh chấp thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tiền gửi của đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo lãi suất không kỳ hạn. Tiền lãi từ khoản tiền bồi thường, hỗ trợ được trả cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được bồi thường, hỗ trợ.

Đề nghị sửa đổi quy định liên quan đến thẩm quyền trong thu hồi đất

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, điểm c khoản 1 Điều 28 dự thảo  Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê, nhưng một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo luật. Do vậy, chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê; đồng thời tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật.

  Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề xuất là đề nghị chọn phương án 2: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, cần sửa đổi phạm vi dự án không chỉ của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, mà cả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư. Tại khoản 2 Điều 24 của dự thảo luật, đại biểu không chọn phương án nào, mà đề xuất phương án loại trừ quyền bán quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê, nhưng được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trên đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập và được quyền cho thuê, quyền thuê trong trường hợp dự án có sử dụng đất, góp phần và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong phần giải trình của một số đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật. 

Liên quan đến các dự án thuộc diện thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết nếu mà doanh nghiệp, nhà đầu tư mà muốn được thỏa thuận, các đại biểu cũng ủng hộ theo hướng này để trong quá trình thỏa thuận bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp và tránh các khiếu kiện phức tạp. Các đại biểu cũng còn băn khoăn ở trong trường hợp thỏa thuận không thành công thì cũng cần phải có cơ chế xử lý.

Về các điều kiện để mà nhà đất thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng thì một trong những yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Do đó, dự thảo Luật quy  định về 7 trường hợp,  phương án bắt buộc phải có. Theo đó, chỉ có trong trường hợp bắt buộc phải có tái định cư thì phải hoàn thành các khu tái định cư. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép quy định trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì mất nhiều thời gian để xây dựng khu tái định cư thì có bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.