Đường Quảng Ngãi (QNS) dự chi gần 360 tỷ trả cổ tức lần 2/2023

Trang Mai 10:59 | 27/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 10/1/2024. Đây là đợt trả cổ tức bằng tiền mặt lần thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Với tỷ lệ thực hiện 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) và gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính QNS cần chi khoảng 357 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 2/2023. Ngày thanh toán dự kiến vào 24/1/2024.

Năm 2023, QNS dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2023 tối thiểu ở mức 15%. Trong đó, Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp), tương đương tổng chi gần 357 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi hoàn tất tạm ứng cổ tức đợt 2/2023, tổng mức cổ tức 2023 mà QNS chi trả cho năm 2023 là 20% - vượt kế hoạch đề ra, tương đương tổng chi gần 714 tỷ đồng.

2023 là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt.

Ngày 25/12 vừa qua, HĐQT QNS cũng đã thông qua ước thực hiện năm 2023 và đề ra mục tiêu kinh doanh cho năm 2024.

Trong đó, QNS ước tính kết quả kinh doanh 2023 tăng trưởng mạnh so với năm trước với 10.200 tỷ đồng doanh thu và gần 2,.146 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 19% và 67% so với năm trước. So với kế hoạch năm, Công ty vượt 21% chỉ tiêu doanh thu và 113% mục tiêu lãi sau thuế.

Sang năm 2024, QNS dự kiến hoạt động kinh doanh đi lùi với 9.000 tỷ đồng doanh thu và 1.341 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 12% và 38% so với ước thực hiện năm 2023.

Kế hoạch kinh doanh của QNS có phần thận trọng khi giá đường đang có xu hướng hồi phục mạnh trong thời gian gần đây.Sau khi hạ nhiệt trong quý III, giá đường có dấu hiệu bật ngược trở lại và tạo đỉnh mới vào 29/9, đạt mức 0,26 USD/lbs (+39,5% so với hồi đầu năm) khi diễn biến thời tiết kém thuận lợi diễn ra tại nhiều quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới.

 Nguồn: Agromonitor, USDA, ISO, Bloomberg, VCBS tổng hợp

Theo báo cáo của VCBS, tổng lượng đường sản xuất cho niên vụ 2022-2023 chỉ đạt 175 triệu tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ. Dư thừa đường vụ mùa 2022-2023 chỉ còn 850.000 tấn đường thay vì 6 triệu tấn như dư báo từ đầu năm.

Giá đường Việt Nam tăng 23% so với đầu năm, trong đó bật tăng mạnh mẽ từ cuối tháng 6 cho đến nay theo đà tăng của giá đường thế giới với hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường có nguồn gốc Thái Lan. Hiện nay giá bán đang duy trì ở mức 22.800-23.000 đồng/kg.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Tuy sản lượng sản xuất nội địa tăng nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023 và sẽ còn có khoảng trống lớn khi bước vào mùa lễ hội trong nửa cuối năm.

Giá thu mua mía từ nhà máy theo đó cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1,1 – 1,3 triệu đồng/tấn, mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến diện tích mía gia tăng, tạo tiền đề thúc đẩy việc mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tiếp theo.

Từ diễn biến đó, VCBS nhận định mảng đường sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho QNS trong thời gian tới.Sản lượng đường QNS bán ra trong năm 2024 dự kiến đạt 230.000 tấn, tăng 4,6% cùng kỳ năm 2022.

Giá bán đường trong nước vẫn chưa hạ nhiệt do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong vụ mùa 2023-2024, ước tính giá bán đường của QNS vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong năm tới. Giá mía thu mua tăng 4%, đạt 1,1 triệu đồng/ tấn, do đó tuy doanh thu mảng đường của QNS dự kiến tăng 9% nhưng biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ.