Lãi ròng của Đường Quảng Ngãi (QNS) vượt 1.500 tỷ trong 9 tháng

Trang Mai 16:59 | 27/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh thu tăng cùng việc tiết giảm chi phí đã giúp Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) nhận về hơn 239 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm.

Kết thúc quý III/2023, Đường Quảng Ngãi (Chủ thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy) ghi nhận doanh thu thuần 2.467 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 3% lên 1.607 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 35%, tăng 3 điểm %.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng, còn các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của QNS đạt 506 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Đây là mức cao thứ hai về lợi nhuận quý của QNS trong 6 năm qua (chỉ thấp hơn mức kỷ lục 712 tỷ đồng của quý II/2023).

 

Công ty cho biết trong quý III, một số sản phẩm vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó có mảng đường với sản lượng tiêu thụ tăng 85% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 116%; mảng điện có sản lượng tăng 35% và doanh thu tăng 38%.

Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo giảm nhẹ sau đại dịch COVID-19 nhưng Công ty đã nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm vẫn xấp xỉ cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, QNS đạt gần 7.750 tỷ đồng doanh thu và 1.535 tỷ đồng lãi ròng, tăng tương ứng 23% và 79% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu chưa loại trừ giao dịch nội bộ, mảng đường đóng góp nhiều nhất với 3.127 tỷ đồng, chiếm 40,4%. Tiếp theo là sản phẩm sữa đậu nành với 3.106 tỷ đồng, chiếm 40% doanh thu.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 93% kế hoạch doanh thu nhưng vượt 52% mục tiêu lợi nhuận năm. 

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của QNS tính đến cuối tháng 9/2023 đạt gần 11.214 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản (khoảng 50%) là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn, tương đương 5.392 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, QNS thu hơn 239 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay. 

Hàng tồn kho cũng tăng 5% lên 997 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm. 

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả là 3.281 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Sự gia tăng tới từ thuế và các khoản khác phải nộp Nhà nước với 449 tỷ đồng, tăng 274% và phải trả người lao động hơn 327 tỷ đồng, tăng 214%.  

Cuối quý III, tổng nợ vay của công ty là gần 1.843 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của QNS là BIDV với 1.256 tỷ đồng, tiếp theo là Vietcombank (454 tỷ đồng), Vietinbank (134 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 7.932 tỷ đồng bao gồm 4.129 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu QNS tăng liền một mạch từ đầu năm 2023 lên đỉnh lịch sử 52.840 đồng/cp (phiên 24/7), trước khi quay đầu giảm. Kết phiên 27/10, thị giá QNS chững ở mốc tham chiếu 46.300 đồng/cp, giảm 12% so với đỉnh nói trên nhưng tăng 37% so với đầu năm.

Lệnh cấm xuất khẩu đường của Ấn Độ có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Theo Reuters, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đường hai năm qua, bằng cách cấp hạn ngạch xuất khẩu cho từng nhà máy. Trong vụ đường gần nhất kết thúc vào ngày 30/9, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6,2 triệu tấn. Trong vụ 2021/2022, họ cho phép bán tới 11,1 triệu tấn.

Theo nguồn của Reuters, Ấn Độ có thể cấm hẳn việc xuất khẩu đường trong vụ mới bắt đầu từ tháng này. Đây sẽ là lần đầu tiên họ cấm trong 7 năm qua, do lượng mưa thiếu hụt khiến mùa màng giảm sút.

Tuy thiếu hụt về lượng cung đường của Việt Nam là khá lớn, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến nước ta, do chúng ta rất ít nhập đường từ Ấn Độ. Trong năm 2022, đường nhập khẩu từ Ấn Độ vào nước ta chỉ chiếm 0,16% tổng lượng đường mà Việt Nam nhập khẩu.