Tổng Giám đốc Đường Quảng Ngãi tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS

Lạc Lạc 13:44 | 31/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS với mục đích đầu tư.

 

Cụ thể, ông Võ Thành Đàng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS trong thời gian từ 8/9-6/10 với mục đích đầu tư, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu mua vào hết số cổ phiếu đăng ký, ông Đàng sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại QNS lên 8,13%, tương ứng hơn 29 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, kể từ khi vào ban lãnh đạo QNS, ông Đàng chỉ mua và chưa bán ra số cổ phiếu nào. Trước đó, ông vừa mua 390.000 cổ phiếu trong số 1 triệu cổ phiếu đăng ký mua từ ngày 1-25/8. Theo văn bản giải trình, "vì lý do điều kiện thị trường chưa phù hợp" nên ông Đàng không mua hết số 1 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Với giao dịch này, vị Tổng Giám đốc đã nâng sở hữu tại QNS từ hơn 27,6 triệu cp (tỷ lệ 7,74% vốn) lên hơn 28 triệu cp (tỷ lệ 7,85% vốn). Tạm tính theo giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu QNS trong thời gian giao dịch, ước tính ông Đàng đã chi 20 tỷ đồng cho giao dịch này.

Trước đó, vị Tổng giám đốc cũng thường xuyên đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, nhưng rất ít lần mua hết. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, vị này đã có 9 lần đăng ký nhưng chỉ mua vào 2,5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 7,31% đầu năm lên 7,85% vốn điều lệ như hiện nay.

 Thống kê giao dịch mua cổ phiếu QNS của ông Võ Thành Đàng từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II, QNS ghi nhận doanh thu thuần 3.152 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong cùng kỳ tăng chậm hơn với 39,6%, do vậy lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đã tăng vọt 52% lên mức 997 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi gần 712 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ cuối năm 2022, giá đường thế giới liên tục tăng trước diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến nguồn cung ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc sụt giảm. Giá đường thế giới ghi nhận đà tăng từ vùng 17 cents/pound tháng 10/2022 lên đỉnh 10 năm ở vùng 27 cents/pound vào tháng 4 vừa qua, tức tăng 59%.

Sau đó, giá mặt hàng này giảm về 22 cents/pound và bật tăng trở lại vùng 25,6 cents/pound trước thông tin Chính phủ Ấn Độ (quốc gia sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới sau Brazil) xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10 khiến thị trường ngành hàng này trên thế giới có sự biến động.

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, trong niên vụ 2022 – 2023, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua Ấn Độ đưa ra lệnh tạm dừng xuất khẩu đường.

Theo Cơ quan Dự báo thời tiết Ấn Độ, lượng mưa tại các địa phương trồng mía hàng đầu chiếm hơn nửa tổng sản lượng đường của quốc gia đông dân nhất thế giới đã thấp hơn 50% so với mức trung bình trong năm nay. Bên cạnh đó, mưa thất thường và rải rác cũng sẽ làm giảm sản lượng đường niên vụ 2023-2024 và có thể giảm trồng trọt trong niên vụ 2024 – 2025.

Trong phân tích tác động của lệnh cấm vừa công bố, Chứng khoán SSI Research cho rằng giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4, một phần do sản lượng của Ấn Độ giảm (giảm 5% so với cùng kỳ năm trước) và xuất khẩu giảm (giảm 46%). Do vậy, việc quốc gia này cấm xuất khẩu sẽ tác động tích cực đến giá đường trong niên vụ 2023 – 2024.