Nhiều tín hiệu sáng, Mirae Asset dự phóng doanh thu Đường Quảng Ngãi (QNS) năm nay vượt 9.000 tỷ
QNS “ngược dòng” ngành đường nhờ đa dạng hoá
Trong năm 2022, đa phần doanh nghiệp ngành đường bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất khiến chi phí tài chính lên cao, lợi nhuận bị bào mòn. Ngược lại với xu thế chung, Đường Quảng Ngãi lại ghi nhận những bước tăng trưởng trong cả doanh thu và lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý IV/2022, QNS đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế (LNST) lần lượt là 1.900 tỷ và 427 tỷ đồng, tăng 25% và 11% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng đường là động lực tăng trưởng doanh thu chính, với 523 tỷ đồng, tăng 51% do QNS được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong vụ mùa 2022-2023.
Luỹ kế cả năm 2022, QNS ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 8.260 tỷ đồng, tăng 13% và LNST đạt 1.285 tỷ đồng, tăng 2,5%, vượt lần lượt 7% và 27% kế hoạch năm.
Cũng theo báo cáo từ doanh nghiệp, mảng sữa đậu nành và đường vẫn là 2 nguồn thu chính của QNS.
Cụ thể, với mảng sữa đậu nành, sản lượng tiêu thụ đạt 265 triệu lít, giảm 2% so với cùng kỳ. Giá bán trung bình tăng 8% đã bù đắp phần nào chi phí đầu vào tăng (đậu nành, đường, bao bì...). Kết quả,doanh thu thuần đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 5,5% và LNTT đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2021.
Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 40,7% trong năm 2022 so với 40,3% trong năm 2021. Dù vậy, biên chi phí bán hàng cũng tăng từ 9,5% trong năm 2021 lên 10,5% trong năm 2022, chủ yếu do chi phí quảng cáo với mức tăng mạnh 79%.
Với mảng đường, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ đường RS (đường tinh luyện) đạt 130 nghìn tấn, tăng 18% và giá bán trung bình tăng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng đường giảm từ 23,5% trong năm 2021 xuống 19% trong năm 2022 do tỷ lệ đường RE trong tổng lượng đường tiêu thụ tăng lên và giá mía nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn mức tăng giá bán đường bình quân. Kết quả, QNS thu về 2.000 tỷ đồng từ mảng đường, tăng 25% và LNTT đạt 325 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2021.
Mảng điện sinh khối tiếp tục có lãi nhẹ.
Nhìn chung, với những diễn biến tích cực của kinh tế Việt Nam, tình hình kinh doanh của QNS trong năm 2022 khá khả quan. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cả năm lại giảm từ 30,8% xuống 29,8% do tăng chi phí nguyên vật liệu và khấu hao dây chuyền đường tinh luyện RE mới.
Dự báo mảng sữa đậu nành tiếp tục "gánh" mục tiêu lợi nhuận
Sữa đậu nành thường chiếm tỷ trọng phân nửa trong cơ cấu doanh thu của QNS. Đáp ứng xu hướng tiêu dùng các sản phẩm dinh dưỡng thực vật, trong tháng 5/2022, QNS ra mắt sản phẩm sữa chua lên men thực vật VEYO thuộc phân khúc cao cấp. Trong báo cáo phân tích cuối tháng 2/2023, chứng khoán Mirae Asset (MAS) kỳ vọng dòng sản phẩm mới sẽ đóng góp thêm khoảng 1-2% doanh thu mảng sữa hằng năm. Trong thời gian tới, QNS sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sữa đậu nành sang các thực phẩm thay thế thịt làm từ đậu nành.
Theo ban lãnh đạo Vinasoy, hiện vùng nguyên liệu đậu nành trong nước của QNS đạt khoảng 9.000ha, xấp xỉ 24,3% diện tích đậu nành cả nước, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sản xuất doanh nghiệp. Công ty chỉ nhập khẩu 20% từ Canada nhằm mục đích phối trộn nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, giá đậu nành nội địa vẫn có độ tương quan cao so với giá đậu nành thế giới khi Việt Nam vẫn đang phụ thuộc đến 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
MAS kỳ vọng giá đậu nành thế giới sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang ở mức hiện tại và biên lợi nhuận gộp mảng sữa sẽ nới rộng thêm 1,1 điểm phần trăm lên 41,8% trong 2023.
Song song với mảng sữa, mảng đường được dự báo sẽ hưởng lợi nhờ nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu và Quyết định 1514/QĐ-BCT ngày 1/8/2022 về chống bán phá giá.
Cụ thể, trong niên vụ 2022-2023, diện tích canh tác mía toàn vùng ghi nhận 25.060 ha, tăng 18,4%. MAS dự phóng sản lượng mía sản xuất trong niên vụ 2022-2023 đạt khoảng 1,4 triệu tấn, thấp hơn kế hoạch đề ra của QNS là 1,7 triệu tấn do loại trừ các yếu tố về thời tiết cũng như tình trạng cạnh tranh thu mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường.
Ngày 1/8/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1514 áp dụng các biện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan và 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar) với tổng mức thuế là 47,64% cho đến tháng 6/2026. Ngoài ra, các hoạt động kiểm soát chặt chẽ đường nhập lậu sẽ tác động tích cực đến ngành đường nội địa trong dài hạn.
Dựa trên những yếu tố như vậy, nhóm phân tích kỳ vọng doanh thu thuần và LNST của QNS tăng lần lượt 12% và 4,6%, lên 9.240 tỷ và 1.344 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2023-2027, doanh thu thuần mảng sữa được dự phóng tăng trưởng thận trọng ở mức 5,1% so với cùng kỳ, tương ứng với mức giá bán tăng 2% và sản lượng tăng 3%.
Đối với mảng đường, trong 2023, doanh thu thuần được dự phóng tăng trưởng ở mức 38% nhờ vùng nguyên liệu mía tiếp tục được mở rộng. Giá bán bình quân dự kiến giảm 5% trong bối cảnh dư cung toàn cầu. Trong giai đoạn 2024-2027, MAS kỳ vọng doanh thu mảng đường tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.
Đối với mảng điện sinh khối, MAS kỳ vọng sẽ đem về cho QNS trung bình 300 tỷ đồng hằng năm, tương ứngtốc độ tăng trưởng kép 8,6% trong giai đoạn dự phóng.
Khác với nhận định từ MAS, ở một góc nhìn thận trọng hơn, bộ phận phân tích của chứng khoán SSI Research cho rằng trong năm 2023, sản lượng mảng sữa đậu nành của QNS có khả năng không thay đổi so với năm 2022 do mức tiêu thụ của người tiêu dùng vẫn còn yếu.
Theo đó, chuyên gia ước tính doanh thu thuần và LNST năm 2023 của QNS lần lượt là 9.000 tỷ đồng, và 1.400 tỷ đồng, cùng tăng 9% so với cùng kỳ.