Đường Quảng Ngãi: Dự báo mảng đường 'gánh' mảng sữa đậu nành, doanh thu gần chạm 9.000 tỷ trong 2023

Trang Mai 14:02 | 10/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá đường lập đỉnh cao nhất trong 11 năm đã thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành mía đường tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh đó, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) cũng thu về kết quả kinh doanh khá khả quan.

Tăng trưởng nhờ mảng đường

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, chủ thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy mang về 2.130 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm đường đóng góp 746 tỷ doanh thu, tăng đột biến 79% so với quý I/2022. Mảng sữa đậu nành vẫn đóng góp lớn nhất với 817 tỷ đồng, tuy nhiên giảm hơn 8% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp hơn doanh thu nên lãi gộp của QNS tăng 23%, thu về gần 596 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó cải thiện từ 26,7% lên 28%.

 

Doanh thu tài chính đạt hơn 71 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ, phần tăng tới từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Tính đến hết 31/3/2023, QNS có tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên tới 5.181 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản. 

Chi phí tài chính cũng tăng 76% nhưng chỉ ở mức trên 38 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Cuối quý I/2023, tổng nợ vay là 3.295 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn từ ngân hàng. Ba tháng đầu năm, công ty đi vay thêm 2.225 tỷ, đồng thời trả nợ gốc vay 826 tỷ đồng. 

Trong chi phí bán hàng, khoản chi dành cho quảng cáo, truyền thông, khuyến mãi, dùng thử, chào hàng, trưng bày, sampling (cho phép khách hàng được trực tiếp thử nghiệm sản phẩm mẫu của doanh nghiệp miễn phí) gần 80 tỷ đồng, chiếm 38%, tương ứng bình quân mỗi ngày công ty chi gần 900 triệu đồng cho hoạt động này.

Trừ các chi phí và thuế, doanh nghiệp báo lãi tăng 80% lên gần 317 tỷ đồng.

 

Theo giải trình từ phía công ty, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam những tháng đầu năm nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn song tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn ổn định. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao như đường có lượng tiêu thụ tăng 90% và doanh thu tăng 80%, nha có sản lượng tiêu thụ tăng 22% giúp doanh thu tăng 23%.

Các sản phẩm còn lại như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm nhẹ nhưng doanh thu và lợi nhuận xấp xỉ cùng kỳ.

QNS nhấn mạnh, thời gian qua đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp, từ đó làm tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường hoạt động ổn định, hiệu suất thu hồi tăng, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm góp phần làm tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh đường từ mía so với cùng kỳ.

Năm 2023, Đường Quảng Ngãi đặt mục tiêu 8.400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đạt 25% chỉ tiêu doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mảng đường tiếp tục là động lực phát triển giai đoạn 2023-2025 

Trong báo cáo phân tích ngày 8/5, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng động lực tăng trưởng doanh thu trong quý I/2023 của QNS do mảng đường phục hồi nhờ tác động tích cực của thuế chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và hành động mạnh tay hơn của Chính phủ trong việc kiểm soát đường nhập lậu. Lợi nhuận gộp mảng đường của QNS tăng 257% so với cùng kỳ trong quý I/2023 do biên lợi nhuận gộp mảng đường tăng 11,2 điểm % nhờ năng suất mía tăng và giá bán trung bình trong nước cao hơn.

Đơn vị chứng khoán phân tích rằng, trong quý I/2023, doanh thu sữa đậu nành giảm 8% so với cùng kỳ do nhu cầu yếu với sản lượng tiêu thụ giảm 9%. Tuy nhiên, công ty đã duy trì được biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành ở mức 40,1% trong quý.

 Doanh thu sữa giảm do nhu cầu kém. Ảnh: Trang Mai

Cũng trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) của QNS tăng 68% khi tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) trên doanh thu thuần giảm 3,3 điểm %, chủ yếu do chi phí bán hàng giảm trong tất cả các mảng kinh doanh. 

Trong một báo cáo vào đầu tháng 4, đơn vị chứng khoán này cũng cho rằng nhờ tác động tích cực của thuế chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đã thúc đẩy tăng diện tích trồng mía trong nước và năng suất mía cho vụ mía đường năm 2023, do đó dự phóng sản lượng đường của QNS trong năm nay tăng thêm 14% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, VCSC dự báo giá đường sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023 do lượng đường sản xuất và nhập khẩu tăng sẽ gây áp lực lên giá đường và  đường nhập lậu vào Việt Nam sẽ làm giảm một phần tác động tích cực của thuế phòng hộ — tương tự như giai đoạn trước năm 2020 khi Việt Nam duy trì hệ thống hạn ngạch nhập khẩu để bảo vệ ngành đường trong nước. 

Do đó, chuyên gia dự báo ASP đường tinh luyện RS của QNS sẽ tăng 3% trong năm 2023 trước khi giảm 2% vào năm 2024. Lợi nhuận ròng mảng đường tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 4% trong giai đoạn 2023-2025 với kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào sẽ giảm, trong khi nhu cầu từ người tiêu dùng và các công ty kinh doanh thực phẩm & đồ uống phục hồi vào năm 2024-2025 sau khi dự báo nhu cầu thấp trong năm 2023.

Về mảng sữa đậu nành, đơn vị chứng khoán dự báo lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng với CAGR 10% trong giai đoạn 2023-2025 do dự phóng tăng trưởng doanh số bán hàng đạt khoảng 5% khi sức mua của người tiêu dùng yếu đối với các sản phẩm sữa trong ngắn hạn. Chuyên gia dự báo người tiêu dùng đại chúng Việt Nam sẽ giảm chi tiêu do kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. 

Trong tương lai, VCSC dự phóng sản lượng bán sữa đậu nành của QNS sẽ tăng với CAGR 3% giai đoạn 2023-2025, bao gồm mức tăng trưởng sản lượng 2% so với cùng kỳ trong năm 2023 trong bối cảnh QNS duy trì được vị thế thống lĩnh thị trường. Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ giảm 50 điểm cơ bản trong năm 2023 do giá đường và đậu nành nguyên liệu đầu vào tăng.

Nhìn chung, trong năm 2023, VCSC dự phóng QNS đạt doanh thu thuần 8.867 tỷ đồng, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế 1.216 tỷ đồng, giảm 5% so với mức thực hiện được của năm 2022. 

 VCSC dự phóng kết quả kinh doanh của QNS. Nguồn: VCSC