ECB nâng lãi suất lần thứ ba liên tiếp lên 1,5%

21:02 | 27/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 27/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm, phù hợp với dự đoán của thị trường, giữa bối cảnh ngân hàng này đang nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ để đẩy lùi lạm phát, bất chấp lo ngại rằng lãi suất cao có thể làm tăng thêm tổn thương về kinh tế và tạo cơ hội cho một cuộc suy thoái đang rình rập.

 

Tại cuộc họp chính sách ngày 27/10, Hội đồng điều hành của ECB gồm 25 thành viên đã nhất trí nâng lãi thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp, lên 1,5%. Động thái này đã nâng tổng mức tăng lãi suất của ECB lên 2 điểm phần trăm trong ba cuộc họp gần đây nhất. Tính đến tháng 7/2022, lãi suất của ECB đã ở mức âm trong suốt tám năm. ECB cho biết, ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để đảm bảo lạm phát trở lại với mức mục tiêu 2% trong trung hạn.

Các thị trường kỳ vọng lãi suất huy động của ECB sẽ đạt mức 2% vào tháng 12/2022, sau đó đạt đỉnh khoảng 3% vào năm 2023, mặc dù triển vọng biến động quá mức khiến mốc thời gian này dễ bị thay đổi.

Cũng tại cuộc họp này, ECB cũng cắt giảm một khoản trợ cấp quan trọng cho các ngân hàng khu vực nhưng không đưa ra dấu hiệu nào về kế hoạch bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ sau khi thu mua hàng nghìn tỷ euro trái phiếu do các chính phủ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phát hành kể từ năm 2015.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao và ngày càng leo thang, bức tranh tổng thể của khu vực này có thể cân bằng hơn trước đây, khi giá năng lượng giao ngay đang giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ làm giảm áp lực giá cả và không có dấu hiệu của một “vòng xoáy” tiền lương-giá cả.

Cùng ngày, ECB cũng đã thực hiện bước đầu tiên nhằm thu hẹp bảng cân đối tài chính trị giá 8.800 tỷ euro, một động thái có khả năng làm lợi suất trái phiếu tăng cao hơn nữa và có thể hoạt động như một loại tăng lãi suất trá hình.

Trong một bước đi có thể bị các ngân hàng khu vực phản đốii, ECB đã hạn chế khoản trợ cấp mà họ cung cấp cho các ngân hàng thông qua các khoản vay ưu đãi trị giá 2.100  tỷ euro trong vòng 3 năm, được gọi là Chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (TLTRO). ECB cho biết: "Trước tình hình lạm phát gia tăng bất ngờ và bất thường, chương trình cần được điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ rộng lớn hơn và để củng cố việc truyền tải chính sách tăng lãi suất sang các điều kiện cho vay của ngân hàng".

Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng nền kinh tế châu Âu, vốn đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với thị trường năng lượng có thể bị chững lại. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi tăng lãi suất hơn nữa. Lãi suất cao hơn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở, đồ nội thất, các mặt hàng tiêu dùng khác, hoặc các dịch vụ giải trí và văn hóa. Theo các nhà kinh tế, nếu việc điều chỉnh chính sách tiền tệ giúp giảm tỷ lệ lạm phát của hàng hóa xuống 1 điểm phần trăm, thì tỷ lệ lạm phát chung sẽ chỉ giảm 0,51 điểm phần trăm.