ECB tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục
Tuyên bố của ECB khẳng định: "Các quyết định về lãi suất của Hội đồng thống đốc ECB dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát theo triển vọng tích cực của dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ".
ECB kỳ vọng chi tiêu của chính phủ và các hộ gia đình sẽ thúc đẩy phục hồi, nhưng dữ liệu cho thấy một bức tranh u ám hơn, với sản xuất vẫn trong tình trạng suy thoái và dịch vụ giảm nhiệt.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đã rơi vào suy thoái trong quý trước và khởi đầu chậm chạp vào tháng 1, khiến quý hiện tại là quý thứ 6 liên tiếp với tăng trưởng gần như bằng 0 hoặc âm.
Lạm phát khu vực đồng euro đang giảm đều đặn, mặc dù tăng lên 2,9% trong tháng 12 vừa qua từ mức 2,4% của tháng 11/2023. Tỷ lệ lạm phát tăng trong tháng cuối năm vừa qua chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật như hết trợ cấp của chính phủ và giá năng lượng thấp vượt quá số liệu cơ bản dùng để tính tỷ lệ lạm phát.
Tháng 10/2023, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp với mức tăng tổng cộng 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng 7/2022 để đối phó với lạm phát đỉnh 10,6%. Thể chế tài chính này cho rằng việc thảo luận về đảo ngược lãi suất hiện là quá sớm, vì áp lực giá cả vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn và nhiều cuộc đàm phán về tiền lương vẫn chưa kết thúc.
Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết dữ liệu về các thỏa thuận tiền lương sẽ có trong cuộc họp tháng 6 và việc điều chỉnh lãi suất vội vàng sẽ có rủi ro cao.