Triển vọng lãi suất của ECB khi đồng euro mạnh lên
Chỉ một tháng trước, việc đồng euro giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng đã khiến một số nhà phân tích dự đoán về việc đồng euro sẽ ngang giá với đồng USD do sự mong manh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Điều này trái ngược với "sự khỏe mạnh" của nền kinh tế Mỹ, nhân tố đã thúc đẩy đồng USD mạnh hơn và khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Lãi suất của Khu vực Eurozone thấp hơn lãi suất ở Mỹ vẫn là một cản trở, song đồng euro dường như mạnh hơn nhờ một phần nhờ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. Chẳng hạn kết quả khảo sát các nhà quản lý mua hàng mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh tại Khu vực Eurozone đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với Mỹ trong tháng 4/2024, ghi dấu lần đầu tiên trong một năm. Điều đó đã giúp đồng euro phục hồi khoảng 1,7% từ mức thấp nhất của tháng 4/2024 lên khoảng 1,0708 USD/euro.
Chiến lược gia thị trường Fiona Cincotta tại City Index nhận xét sự phân kỳ giữa hiệu suất kinh tế của Eurozone và Mỹ đang thu hẹp lại, qua đó hỗ trợ phần nào cho đồng euro. Đó cũng là lý do để ECB an tâm hơn.
Trên cơ sở các giao dịch thương mại, đồng euro đã tăng 0,5% trong năm nay và áp sát mức cao kỷ lục của năm 2023. Điều này phần lớn là do sự mất giá của các đồng tiền như NDT của Trung Quốc và đồng yen Nhật Bản, giúp mang lại bức tranh ít tiêu cực hơn cho đồng euro so với việc chỉ nhìn qua lăng kính của đồng USD.
Tuy nhiên, nếu đồng euro sụt giảm kéo dài có thể đẩy giá nhập khẩu lên và khơi lại lạm phát, qua đó hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của ECB.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 8/5, Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo Robert Holzmann nói với tờ Handelsblatt rằng ở một mức độ nào đó, quyết định của ECB tự nhiên bị ảnh hưởng bởi Fed.
Các yếu tố khác như giá dầu tăng vọt hay căng thẳng địa chính trị leo thang có thể làm suy yếu Khu vực Eurozone khi một lần nữa làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và phóng đại tác động lạm phát của đồng tiền yếu hơn.
Hiện thị trường cho thấy các nhà giao dịch tin rằng ECB sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất chuẩn xuống khoảng 3,25% vào cuối năm. Fed dự kiến chỉ cắt giảm hai lần, xuống phạm vi 4,75-5,25%, khiến mức chênh lệch lãi suất của Mỹ so với Eurozone ở mức 175 điểm cơ bản.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu ECB cắt giảm lãi suất ba lần và Fed không có lần cắt giảm nào trong năm nay, khiến khoảng cách lãi suất lên tới 213 điểm cơ bản, có thể đẩy đồng euro quay trở lại mức ngang bằng, điều này có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo tại ECB nếu sự mất giá của tiền tệ đe dọa thúc đẩy lạm phát.
Lần gần đây nhất đồng euro và đồng USD ngang giá là vào khoảng tháng 8/2022, khi đó khoảng cách lãi suất giữa hai ngân hàng trung ương là 238 điểm cơ bản.
Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối G10 toàn cầu tại BofA, ông Athanasios Vamvakidis, cho biết nếu thị trường loại bỏ khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay và đẩy việc cắt giảm sang năm sau, trong khi định hướng của ECB vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại, thì việc hai đồng tiền ngang giá hoàn toàn có thể xảy ra.
Giám đốc danh mục đầu tư Neil Mehta tại BlueBay Asset Management, nhận định thị trường ngoại hối là nơi diễn ra rõ ràng nhất sự phân kỳ về lãi suất, trong đó đồng USD nổi lên là đồng tiền chiến thắng, ngang giá với đồng euro.
Ông Mehta nhận định mặc dù đây không phải kịch bản chính, nhưng chúng tôi nhận thấy rủi ro đang nghiêng về hướng đó. Chúng tôi cho rằng bước đi đầu tiên sẽ là mức 1,05 USD/euro.